Tiếng Chúa hay Ý Riêng?

Luyện Tập Nghe Tiếng Chúa, bài 06

Galati 5:22–24

Hầu như ai đang tập nghe tiếng Chúa đều phân vân không biết mình có thật nghe tiếng Chúa phán dạy hay chỉ là ý tưởng phát xuất từ nội tâm của chính mình. Sự lo ngại đó là chính đáng, bởi vì đa số tín hữu không biết chắc nguồn của tiếng nói mình nhận được là từ đâu đến. Sự truy tìm để biết chắc nguồn của ý tưởng trong lòng từ đâu đến tuy khó khăn, nhưng không phải là không tìm được. Bởi vì qua kinh nghiệm của một số người, cộng thêm sự soi sáng của Kinh Thánh, chúng ta sẽ áp dụng một số cách thức đơn giản để xác định nguồn gốc của bất cứ sự mặc khải nào.

Đức Chúa Trời dùng nhiều cách để bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta. Có thể là thị tượng, chiêm bao, mùi hương, cảm xúc, cảm giác, và ý tưởng trong trí chúng ta. Tuy nhiên, điều thường thấy trong những người thời nay thường xuyên nói tiên tri, hay ghi chép những lời, mà họ nói rằng do Đức Thánh Linh cảm thúc, thì hầu hết là những sự tưởng tượng hoặc vì lòng quá ước ao điều họ mong sẽ xảy ra; cho nên, các điều ấy không ứng nghiệm theo lời họ quả quyết. Để hiểu vấn đề nầy, những người đã thật lòng tiếp nhận Chúa và biết mình đã nhận Đức Thánh Linh thì phải hiểu rằng trong chúng ta có Linh của Chúa lẫn nhân linh của chính ta. Hai thể linh là hai nguồn ý tưởng, mệnh lệnh, sự chỉ dẫn, hoặc các sự mặc khải mới mẻ nào đó nhưng không giống nhau.

Để có thể nhận ra lời có phải từ một nguồn khác đến, thì trước hết chúng ta phải nhận ra tiếng của mình. Nan đề của nhiều người là không biết rõ cách mình suy nghĩ như đáng phải biết. Hễ người nào biết rõ về mình và hiểu cặn kẽ cách thức trí não riêng của mình nghĩ như thế nào, thì có thể thấy được ý nghĩ của mình một cách khách quan. Càng biết rõ tư tưởng riêng của mình chừng nào, thì càng dễ nhận ra các ý tưởng không phát xuất từ mình, mà từ Chúa đến, hoặc xâm nhập từ tà uế linh. Vì vậy, bước đầu tiên trong sự rèn luyện để phân biệt giữa ý tưởng của mình với lời từ Chúa là: Phải trở nên nhạy bén với bản chất cách suy nghĩ của riêng mình. Mỗi khi các ý tưởng kiểu đó xuất hiện trong trí, thì chúng ta biết nó từ nhân linh mình mà ra, không phải từ Chúa.

Quen thuộc và nhận rõ cách suy nghĩ của mình là mấu chốt để phân biệt thứ tiếng gì khác đến với tâm trí. Vì vậy, hãy hết sức để ý tới cách mình suy nghĩ, những phản ứng của tâm lý trong lòng đối với những việc diễn ra quanh mình; âm thanh của tư tưởng trong chúng ta, vv., những thứ đó mặc dù rất quen thuộc với chính mình, nhưng ít khi được quan sát từ một cách nhìn vô tư, không thành kiến, để biết rõ chính tư tưởng của mình như thế nào. Khi đã quen và biết rõ, thì bất cứ tiếng nói nào không phải của mình đều dễ nhận ra. Mặc dù tư tưởng của mỗi người đều khác nhau nhưng phẩm chất giá trị của tư tưởng loài người thì tương tự nhau, nếu có hơn hoặc kém thì chẳng là mấy. Ngược lại, phẩm chất và giá trị của lời từ Chúa thì cao cả và khác hẳn ý tưởng của chúng ta.

Hãy thử so sánh bản chất bên trong con người (Galati 5:19–20) “Công việc của xác thịt thật rõ ràng, đó là: Gian dâm, ô uế, buông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng; ” còn những điều đến từ Đức Thánh Linh thì (Galati 5:22) “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ.” Nghĩa là ý tưởng của Đức Chúa Trời có phẩm chất cao cả tuyệt hảo hơn hẳn ý tưởng ra từ lòng người. Mặc dù con người bên trong của tín hữu có thể đã được tái sinh, nhưng ý tưởng của người trần gian vẫn còn phẩm chất thấp kém, không được như ý tưởng đến từ Chúa; bởi vì “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng, được ban xuống từ Cha của sự sáng;” (Giacơ 1:17).

Người nào thành thật với chính mình thì biết rằng những phản ứng của chúng ta đối với những việc do người khác hành xử khiến mình không vừa ý, thì thường xuyên là tức giận, bất bình, muốn trả đũa, ghét bỏ, hoặc lạnh nhạt. Trong những trường hợp như vậy, nếu đang chờ nghe tiếng Chúa mà ý tưởng trả đũa hoặc thấy chuyện xấu xuất hiện trong trí, thì mình biết điều đó không phải đến từ Chúa mà là từ ý tưởng của chính mình. Khi chúng ta nghe hoặc nhận được ý tưởng mà giá trị và phẩm chất mình chưa bao giờ có, thì chúng ta biết lời đó đến từ Chúa. Ví dụ, thay vì tính chuyện làm sao cho thỏa mãn tự ái thì nhận được lời khuyên hãy tha thứ và dịu dàng với người có lỗi; khi ấy, mình biết chắc đó là lời từ Chúa đến. Bởi vì nguồn của ý tưởng ấy là toàn hảo và thiện lành.

Một điều nữa chúng ta cần phải lưu ý là: Mặc dù Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta, nhưng tiếng của Chúa không phải ra từ tâm linh mà từ ngoài vào. Khi Ngài phán, chúng ta tưởng tiếng từ Chúa là tiếng từ lòng ta phát ra; cho nên, ta tưởng rằng lời của Ngài là ý nghĩ của mình. Khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nghe tiếng Chúa, thì tiếng của Ngài và tiếng lòng trong ta tương tự nhau về âm thanh; hai thứ tiếng chỉ khác nhau về phẩm chất, thời điểm và sự chính xác. Lời dạy nào đầy khôn ngoan, yêu thương và nhân ái là ý tưởng từ Đức Chúa Trời do Đức Thánh Linh đem đến cho chúng ta. Trong trường hợp thông điệp đến bằng thị tượng cũng vậy; nếu là thị tượng cao cả, thì nó không phải là sự tưởng tượng của chúng ta mà từ Đức Chúa Trời đến.

Khi chúng ta nhận ra những điều mình cảm nhận, nghe, hoặc thấy (trong thị tượng hay chiêm bao) là từ Chúa chứ không phải từ lòng mình, thì đã đạt được một nửa mục đích, hay cũng gọi là thắng được nửa trận chiến. Nhưng làm thế nào để biết sự mặc khải nào đó là từ Chúa đến mà không phải từ nguồn khác? Vì hồn của người cũng sản xuất ra các thông điệp của nó, gồm có cảm nhận, ý tưởng, cảm xúc, và các hình ảnh. Một đặc điểm chúng ta cần biết rõ để phân biệt giữa hồn mình với nguồn từ bên ngoài là: Những gì từ bên ngoài xâm nhập vào thì rất khó hoặc không thể dẹp bỏ hay thay đổi theo ý chí của mình được. Nghĩa là chúng ta không thể thay đổi một thông điệp nào đó từ bên ngoài vào; trong khi những gì từ hồn mình ra thì rất dễ thay đổi hoặc xua đuổi nó đi.

Có một cách khác để nhận ra nguồn của thông điệp từ đâu đến là trình lên Chúa, cầu xin Ngài xác nhận. Cách nầy có thể đi ngược lại một cách được nhiều người dạy là: Xem nó có phù hợp với lời Chúa trong Kinh Thánh không? – Nhưng áp dụng Kinh Thánh thì không khớp cho mọi trường hợp, vì không phải chuyện gì cũng có lời Kinh Thánh để so sánh. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ xác định bằng cách xem xét hoa trái mà nó sẽ sinh ra. Giáo sư giả và tà linh cũng dùng lời Kinh Thánh, nhưng trái, tức là kết quả, mà nó sinh ra sẽ luôn luôn bày tỏ nguồn của nó. Vì Thánh Linh của Chúa là Đấng An Ủi, Thần Ân Điển, Thần Bình An, Thần Khôn Ngoan, và Thần Chân Lý, bởi vì ấy là những điều mà Lời Ngài sinh ra. Nếu ai nghe lời Đức Thánh Linh mà làm theo thì sẽ sinh ra các hoa trái của Ngài; vì Lời Thánh Linh sinh ra các hoa trái của Thánh Linh.

Các trái ấy là “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ.” Cho nên, nếu ai nói rằng họ hành động theo lời họ nghe từ Đức Thánh Linh mà dẫn tới kết quả là kết án, sợ hãi, bất hòa và những phẩm chất xấu khác, thì chúng ta có thể biết điều đó không đến từ Chúa mà từ tà linh hoặc tính ác trong lòng người. Những điều chúng ta nghe từ trong tâm linh mình bảo phải làm điều chi đó, thì phải thử nghiệm trước đã. Hãy xem lời ấy có đúng với sự thật của vấn đề hay không? Nếu mình nói ra hoặc hành động có đem lại ích lợi gì hoặc chỉ gây thêm đổ vỡ? Hoa trái của bất cứ sự mặc khải nào sẽ xác nhận nguồn của nó từ đâu ra.

Hãy luyện tập nghe tiếng Chúa, áp dụng những nguyên tắc mình học được. Mạnh dạn áp dụng là cách tốt nhất giúp mình biết làm cách nào nghe tiếng Chúa. Ai vâng lời làm theo điều được bày tỏ cho mình và có kết quả tốt, thì người ấy sẽ dần dần nghe tiếng Chúa chính xác và vững vàng.

LuyenTapNgheTiengChua06.docx

Rev. Dr. CTB