Giữa Thế Giới Hỗn Độn

Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 01

Giăng 14:6

Tình trạng xã hội của thời đại chúng ta đang sống hiện nay trên thế giới không giống bất cứ thời nào đã qua trong lịch sử. Cái giả nhiều hơn cái thiệt. Hễ một món hàng hiệu có phẩm chất tốt và đắt giá được đưa ra thị trường thì sẽ có hàng chục thứ hàng giả, hàng nhái xuất hiện. Những thứ hàng giả lại khác nhau về đẳng cấp: hàng giả cao cấp, hàng giống y như thật và hàng giả loại dỏm. Chỉ những người chuyên môn về món hàng ấy mới biết cách nhận ra hàng thật. Còn người mua thì bị lừa gạt suốt đời mà không biết mình xài hàng giả. Người Việt còn bị các nhà sản xuất thuốc dỏm lừa bịp nữa. Dân Việt thời nay no đủ quá nên sinh đủ thứ bệnh và cứ tìm kiếm thần dược trị bệnh làm từ các loại cỏ cây, củ quả, côn trùng, vv. Các loại thuốc ngày đêm quảng cáo nhan nhản trên TV nhắm vào cộng đồng. Gian thương cứ bán và người dại dột cứ tiền mất tật mang.

Trong lãnh vực tâm linh cũng vậy. Cả mấy chục năm qua ở trong nước có nhiều nhóm người lợi dụng thói tin tưởng mê muội của hàng chục triệu linh hồn người Việt khốn khổ, chúng cấu kết với cường quyền tổ chức buôn thần bán thánh để làm giàu; thế mà vô số người u mê giành giật với nhau lao vào chốn đền miếu chùa chiền như những con thiêu thân. Một số các tài tử điện ảnh nổi tiếng ở Mỹ, lắm tiền nhiều của nhưng chẳng có một chút hiểu biết gì về lãnh vực tâm linh, đi tìm kiếm cảm giác lạ trong Ấn giáo và Phật giáo. Được vài tuần thì bỏ cuộc vì chẳng tìm được gì có ý nghĩa cho đời sống, và các đạo ấy chẳng thích hợp thói quen dâm dật nhớp nhúa của họ. Vì thế, trong vấn đề tâm linh cũng có cái thật, điều giống như thật, và các giáo thuyết hoàn toàn giả dối.

Sự biến thái của xã hội cũng khiến cho giới trẻ mới lớn bối rối không phân biệt nổi phải trái, đúng sai. Có những việc trước kia bị lên án kịch liệt; bây giờ đa số người lại lên án những ai chống các việc vô đạo đức đó. Trước kia ngôn ngữ tục tĩu bị khinh bỉ, bây giờ trở nên bình thường trong khắp xã hội, kể cả chốn công quyền và giới chức thi hành công lực. Thời trước, khi xã hội còn quý trọng đạo đức và sự lành mạnh, thì các cảnh dâm dục uế tạp và bạo lực gớm ghiếc bị cấm không được xuất hiện trên phim ảnh; nhưng ngày nay xi nê phải có các hành vi uế tạp mới thu hút đông người xem và được khen tụng. Sự sa đọa không phải chỉ xảy ra ở ngoài đời, vì trong nhà thờ cũng bắt chước mọi thứ thói hư tật xấu của thế gian và trở nên xa lạ với đức thánh khiết của Chúa.

Có bao nhiêu người trong Hội Thánh của Chúa ngày nay hiểu rõ, thấy được nét đẹp và quyền năng vô song trong Tin Mừng của Đức Chúa Jesus, và biết rằng đó là niềm hi vọng duy nhất của bất cứ tương lai nào của loài người? Có bao nhiêu người xưng là tín đồ mà biết nhận ra các điều dạy dỗ giả dối bởi những con sói đội lốt chiên bẻ cong lời dạy của Chúa chúng ta? Đức Chúa Jesus đã tuyên bố rằng Ngài đến để ban cho chúng ta nước uống có thể làm thỏa nguyện nỗi khát khao sâu thẳm nhất về sự bình an yên ổn trong tâm linh (Giăng 7:37–38). Thế nhưng vẫn có vô số kẻ chăn giả mạo lợi dụng sự lười biếng đọc Lời Chúa của giáo dân để lộng hành ở tòa giảng, diễn giải Kinh Thánh một cách dối trá, che khuất và hủy phá sứ điệp của chân lý (2Tim.4:3–4); họ đã khiến cho thế giới quan của vô số tín đồ bây giờ tin những điều giả trá và sai trật do ma quỷ đem vào trong đạo.

Làm sao để biết được những điều các hệ phái, giáo phái, hay giáo hội rao giảng đúng hay sai? Có bốn yếu tố chính để xem xét bất cứ hệ thống niềm tin nào. Hai yếu tố trước tiên là sự thật và sự thích đáng hoặc đúng. Làm thế nào để biết niềm tin của mình là tin đúng sự thật? Và niềm tin ấy của chúng ta có áp dụng được một cách thỏa đáng vào đời sống mỗi ngày của mình hay không? Nghĩa là điều mình tin là có thật hay chỉ là những sự mơ ước tưởng tượng? Sự thật ấy áp dụng vào đời sống sẽ giải quyết những nhu cầu thích đáng của tâm linh như thế nào? Ví dụ mình tin rằng Đức Chúa Jesus đã chịu chết để ai tin và tiếp nhận Ngài sẽ được tha thứ và tẩy sạch hết mọi tội lỗi đã phạm trong quá khứ và hiện tại (Galati 1:4). Nếu điều ấy là thật thì nó phải có khả năng cất bỏ mọi gánh nặng khiến ta bị sự đau khổ và hối hận dằn vặt, lòng thật được giải thoát và nhẹ nhàng.

Điều ấy cũng chứng minh rằng Chúa là sự thật, và niềm tin vào Ngài có thể áp dụng cách thích đáng cho đời sống mỗi ngày của người tin. Sự hiểm nguy ở chỗ nầy là người ta thường lầm lẫn lấy sự thỏa lòng làm chân lý; thay vì theo đuổi chân lý, tức là được gần gũi với Chúa, thì mục tiêu của họ là cố gắng thỏa mãn nỗi khát khao có đời sống tâm linh nhẹ nhàng; vì thế họ thấy sự gần gũi với Chúa là một thứ học thuật xa vời khiến nó trở thành một điều không thể áp dụng được vì không còn thích hợp với đời sống của loài người. Sự lầm lẫn của nhiều tín hữu ngày nay hoặc là họ trở nên cứng lòng và lãnh đạm đối với chân lý đến nỗi quên không tìm các tính chất phù hợp với trình độ cảm xúc của mình; hoặc mải mê chú trọng vào cảm giác nhẹ nhàng trong lòng mà quên đặt câu hỏi căn bản rằng điều họ tin có đặt nền tảng trên sự thật hay không?

Ví dụ, chúng ta tin Đức Chúa Jesus là chân lý, nhưng có ai hiểu hay giải nghĩa một cách thích đáng Ngài là chân lý thì có nghĩa gì, và tại sao Ngài là chân lý? Đức Chúa Jesus không phải là một thứ chân lý khó hiểu ở tuốt trên cao. Ngài là chân lý bởi vì chỉ một mình Ngài mới có thể cứu vớt loài người, trong đó có chính mình chúng ta, ra khỏi sự trừng phạt đối với tội lỗi. Chỉ một mình Ngài mới có khả năng làm cho chúng ta được sạch tội. Ngài làm như vậy vì tình yêu của Ngài đối với chúng ta quá bao la. Chân lý đó phải trở thành gần gũi với chúng ta qua lòng biết ơn biến thành tình yêu thương kính mến đối với Ngài. Cảm giác nhẹ nhàng vì được tha tội và làm con của Đức Chúa Trời, được làm các chi thể của thân thể Đức Chúa Jesus phải là lòng tin dựa trên sự thật. Sự thật phải áp dụng được vào sự giải quyết thỏa đáng các nhu cầu khắc khoải của tâm linh.

Hai yếu tố kế tiếplý lẽđức tin. Bất cứ một thế giới quan hay quan niệm sống nào cũng phải kết hợp lý lẽ với lòng tin. Một số người quả quyết rằng điều họ tin là hợp lý. Ví dụ, người chủ trương vô thần vẫn đinh ninh rằng sự không tin vào một Đấng Tạo Hóa là hợp lý. Nhưng khi đứng trước thiên nhiên và các vấn đề vô cùng phức tạp của sự sống, thì lý lẽ của họ không cách gì đứng vững được. Người khác thì cứ dựa vào đức tin chứ không cần biết điều họ tin có hợp lý hoặc thật hay không. Lòng tin rằng mọi sự vật đều có sự khởi đầu và do ai đó tạo nên, là lòng tin hợp lý hơn hết; nhưng không ai có thể sống mà chỉ dựa trên lý lẽ. Không phải ai được sinh ra trong gia đình theo đạo Tin Lành thì người đó là tín đồ thật của Đức Chúa Jesus. Người ấy phải hiểu biết rõ ràng và lập quyết định tiếp nhận Ngài làm Chúa của riêng mình thì mới được xem là tín đồ thật.

Chúng ta đừng đinh ninh về vị trí của mình trong Đức Chúa Trời nếu không có khả năng giải thích niềm tin của mình một cách rõ ràng và hợp lý; nhưng chúng ta cũng hãy tiến bước vững vàng trong cuộc hành trình tìm kiếm sự thật sự đúng đắn, đức tinsự hợp lý. Bởi vì ai đã gặp được Đức Chúa Jesus và được Ngài tiếp nhận, thì người ấy tìm được sự sống. Chúng ta phải hiểu cách vũng chắc tại sao Đức Chúa Jesus tự xưng Ngài là: Đường Đi, Chân Lý, và Sự Sống (Giăng 14:6). Cuộc hành trình sẽ trải qua rất nhiều chặng đường vô cùng thú vị trong sự khám phá của chúng ta. Ai là người dẫn đường cho những kẻ chẳng biết lối nào về thiên đàng? Ai sẽ giải quyết vấn đề tội lỗi mà khắp cả vũ trụ không ai làm được? Ai có thể ban sự sống cho các linh hồn chết?

Chúng ta sẽ biết một cách rõ ràng, biết một cách có hệ thống lớp lang cẩn thận, và có khả năng giải nghĩa cho những người chưa biết. Hãy cùng nhau học để khám phá Chúa của chúng ta.

HieuBietDieuCanBan01.docx

Rev. Dr. CTB