Giáng Sinh, Chân Lý về Sự Tha Tội

Giáng Sinh 2023b

Êphêsô 1:7

Vì trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự phong phú của ân điển Ngài.

Vào thời đầu thánh vụ của Đức Chúa Jesus, Ngài nói cho ông Nicodemus biết lý do giáng sinh của Ngài là để thực hiện tình yêu thương của Đức Chúa Trời (Giăng 3:16) “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Rồi, tới thời điểm cuối cùng của thánh vụ Ngài, Đức Chúa Jesus tuyên bố cho Ponce Pilate biết mục đích Ngài giáng thế là để làm chứng cho chân lý (Giăng 18:37b) “Đây là lý do tại sao Ta đã sinh ra, tại sao Ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho chân lý. Bất cứ ai thuộc về chân lý đều nghe tiếng Ta.

Khi Con Trời phải xuống trần gian để làm chứng cho chân lý của Đức Chúa Trời, thì vấn đề không dễ hiểu như một số người thường nghĩ. Giữa tình yêu thương của Đức Chúa Trời với chân lý của Ngài có một mối liên hệ chặt chẽ. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét vài phương diện của chân lý mà Đức Chúa Jesus đã đem đến cho nhân loại qua biến cố giáng sinh. Đức Thánh Linh cho Hội Thánh biết qua sứ đồ Phaolô: “Vì trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự phong phú của ân điển Ngài” (Êphêsô 1:7).

Điều mà mọi tín hữu đều nghe giảng và biết là: Đức Chúa Jesus giáng trần nhằm mục đích cứu vớt nhân loại. Ngài đã hi sinh chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho toàn thể loài người. Bất cứ ai bằng lòng nhận Ngài làm Đấng Cứu Tinh, ăn năn tội lỗi của họ, tiếp nhận sự tha tội của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ vượt khỏi sự hư mất vĩnh viễn mà bước vào sự sống đời đời. Đó là sự hiểu biết ban đầu lúc tín hữu mới tin Chúa. Nhưng khi học về những điều căn bản của đời sống tín đồ thì tín hữu được biết thêm rằng mỗi người phải được tái sanh mới có hi vọng vào thiên đàng, bởi vì tâm linh xác thịt phải được sanh lại thành thần linh mới phù hợp với chỗ ở của các thần linh.

Đây là một sự thật, một khái niệm mới mà Đức Chúa Jesus đem đến khiến người Do-thái bối rối. Nhưng vấn đề đó dù rất khó vẫn có thể đạt được, bởi vì chỉ cần thật lòng tiếp nhận Ngài làm Chúa đời mình, thì Đức Thánh Linh sẽ hành động và sinh ra trong người tin một tâm linh mới.

Sau đó tín hữu được học Kinh Thánh và biết thêm một sự thật nữa là phải được thánh hoá mới được thấy Chúa (Hêbơrơ 12:14) “Hãy tìm cách sống hòa thuận với mọi người và đeo đuổi sự thánh khiết; vì nếu không thánh khiết thì chẳng ai thấy được Chúa.” Ngài lại đòi hỏi: “Các con phải thánh, vì Ta là thánh” (1Phierơ 1:16). Phaolô khẳng định “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là anh em phải được thánh hóa” (1Têsalônica 4:3). Vấn đề bây giờ trở nên khó hơn, vì các tiêu chuẩn thánh đều do Chúa đặt ra. Phaolô lại chỉ dẫn là “hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình.  15 để anh em trở nên không chỗ trách được và thanh sạch, là con cái toàn hảo của Đức Chúa Trời giữa một thế hệ xảo quyệt và sa đọa; giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu rạng như ánh sáng trong thế gian” (Philip 2:12b, 15).

Những ai chưa có kinh nghiệm về Đức Thánh Linh thì thấy ngán ngẩm trước đòi hỏi nầy, bởi vì thấy việc được thánh hoá có vẻ quá khó. Vậy, phải làm sao? Hãy yên tâm mà biết rằng Đấng đòi hỏi cũng chính là Đấng làm cho chúng ta được thánh hoá: “Cầu xin chính Đức Chúa Trời bình an thánh hóa anh em một cách toàn diện” (1Têsalônica 5:23a); “để dân ngoại trở thành lễ vật đẹp lòng Chúa, được thánh hóa bởi Đức Thánh Linh” (Rôma 15:16); “trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, anh em được thanh tẩy, được thánh hóa và được xưng công chính” (1Côrinhtô 6:11b); “Vì Đấng thánh hoá và những người được thánh hóa đều bởi một Cha mà ra” (Hêbơrơ 2:11a). Do Đức Chúa Jesus và Đức Thánh Linh là Đấng thực hiện công tác thánh hoá; cho nên, người nào thực sự ở trong Đức Chúa Jesus thì chắc chắn sẽ được thánh hoá.

Tuy vậy, không phải mọi người đều thong dong trên con đường thánh hoá, mà nhiều người bị đủ thứ trục trặc trong đời sống đạo. Nguyên nhân của những sự trục trặc nầy hầu hết là do ít hiểu biết những lẽ thật mà Đức Chúa Jesus đã đem đến. Tất cả chúng ta đều vui hưởng ơn cứu độ của Đức Chúa Trời qua sự hi sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá. Bởi vì Đức Chúa Trời chỉ có thể tha tội cho chúng ta trên căn bản ấy, nên đó là sự thật vĩ đại nhất mà sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus đã làm chứng cho cả vũ trụ. Phép lạ vĩ đại của Đấng công chính cực thánh là Ngài có thể tha thứ tội lỗi; và chỉ có sự chết của Đức Chúa Jesus mới có thể làm cho Đức Chúa Trời với bản thể công chính có thể tha tội cho loài người mà vẫn giữ vẹn bản tính công chính của Ngài.

Khi Đức Chúa Trời vì yêu thương mà muốn cứu vớt loài người, thì có nghĩa là Đức Chúa Jesus phải chịu chết đền tội thay cho người, không có lối nào khác. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời biểu lộ cách rõ ràng nhất trên thập tự giá của Đức Chúa Jesus, không nơi nào khác. Căn bản duy nhất mà Ngài có thể tha tội cho loài người là máu của Đức Chúa Jesus Christ phải đổ ở thập tự giá. Nói cách khác, huyết của Đức Chúa Jesus đổ ra là nền tảng của sự tha tội, không có nền tảng nào khác để Chúa có thể tha tội cho loài người. Đức Chúa Jesus đến để làm chứng sự thật của Đức Chúa Trời là: Không có sự chết chuộc tội, Ngài không thể tha thứ. Con đường duy nhất mà chúng ta có thể được tha tội là quay về với Đức Chúa Trời qua sự chết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá.

Để có thể tha thứ chúng ta, Đấng Chúa Tể vũ trụ phải đau đớn quay mặt đi, không nhìn cảnh loài người tội lỗi mà Ngài muốn cứu độ đó hành hạ và giết chết chính Ngôi Lời của Ngài bằng nhục hình thập tự giá. Sự thật vĩ đại đó đã được Đức Chúa Jesus giáng sinh để trình bày bằng hành động cụ thể. Một sự thật nữa là tin mừng mà sự giáng sinh đem đến là: Chúng ta không cần làm một công đức nào hết, chỉ bằng đức tin đơn sơ là có thể nhận được sự tha tội, sự ban cho Đức Thánh Linh, sự giải thoát khỏi tội lỗi, sự thánh hoá của thiên đàng, tương giao với Chúa, và sự sống đời đời.

Tuy vậy, cần phải cẩn thận với thứ giáo lý nói rằng: Vì Đức Chúa Trời nhân từ và yêu thương, nên Ngài sẽ tha thứ và không nỡ trừng phạt những người lỡ phạm tội. Hêbơrơ 6:4–6 cho biết giáo lý ấy là sai lầm và vô cùng nguy hiểm “Vì những người đã được soi sáng một lần, đã từng nếm sự ban tặng từ trời, đã dự phần về Đức Thánh Linh, đã nếm sự tốt đẹp của lời Đức Chúa Trời, và quyền năng của thời đại sẽ đến; nếu vấp ngã thì không thể nào phục hồi để ăn năn được, vì chính họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa, và công khai sỉ nhục Ngài.

Vì “nếu đất nào chỉ sinh gai góc và chà chuôm thì vô giá trị và bị rủa sả, cuối cùng phải bị đốt” (Hêbơrơ 6:8). Nếu chúng ta hiểu cách tận tường cái giá mà Đức Chúa Trời phải trả để chúng ta có thể được tha tội, thì chúng ta mới có thể hiểu tại sao Đức Chúa Jesus phải giáng sinh, và mới có thể biết ơn một cách sâu sắc Đấng đã hoạch định chương trình cứu độ nhân loại qua sự giáng sinh của Ngôi Lời. Từ đó, người đã hiểu chân lý ấy mới có thể lập quyết định lựa chọn sống một đời sống không muốn phạm tội.

Bất cứ thứ giáo lý nào tìm cách lờ đi, bỏ qua cái giá kinh khủng mà Đức Chúa Trời phải trả để thực hiện tình yêu thương của Ngài, không dám đề cập đến huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus nhằm trấn an người nghe, thì thứ giáo lý đó chỉ là đồ rác rưởi, bởi họ không biết gì về sự thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời. Giáng sinh và thánh hoá có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đức Chúa Jesus đã giáng sinh để chúng ta có cơ hội được tái sinh và thánh hoá. Không có sự giáng sinh, sẽ không có huyết vô tội của Con Trời đổ trên thập tự giá. Không có huyết ấy, chẳng người nào được tha tội. Không có sự tha tội, không ai có hi vọng được tái sinh và thánh hoá. Không có sự ăn năn tội nào được tha thứ nếu không đặt nền tảng trên thập tự giá của Đức Chúa Jesus.

Mọi ơn phước vĩ đại của Đức Chúa Trời ban xuống đã hoàn tất. Nhưng tôi chưa thể sở hữu các ơn phước ấy cho tới chừng nào ta bước vào mối tương giao với Ngài trên căn bản giao ước của Ngài. Đức Chúa Giêxu đã giáng sinh để làm chứng cho nhiều sự thật mà loài người vẫn lầm tưởng. “Vì trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự phong phú của ân điển Ngài.” Ân điển đã bày tỏ cho nhân gian qua sự giáng sinh. Hãy kỷ niệm lễ giáng sinh bằng tấm lòng biết ơn vô hạn đối với Đấng đã đến trần gian để làm chứng cho chân lý.

GiangSinh2023b.docx

Rev. CTB