Khởi Đầu Mới, 07
Phục Truyền 10:12–13
“Vậy, hỡi Israel, điều mà bây giờ Jehovah Đức Chúa Trời đòi hỏi anh em là gì nếu không phải là tôn kính Jehovah Đức Chúa Trời, đi trong đường lối Ngài, hết lòng hết linh hồn mà kính mến và phục vụ Jehovah Đức Chúa Trời, tuân giữ các điều răn và luật lệ của Đức Jehovah mà tôi truyền cho anh em ngày nay, để anh em được phước?”
Tín ngưỡng là lãnh vực dễ giả vờ nhất; vì đức tin là phạm trù không thể thấy bằng mắt. Bởi lý do đó, đức tin thật hay giả rất khó đo lường theo hành vi bề ngoài. Tín đồ các tôn giáo loài người thường dùng lễ nghi để chứng minh lòng thành. Nhưng sau khi cử hành nghi lễ xong, họ trở về với con người thật qua cách sống và hành xử theo cá tánh của họ. Đối với con cái Chúa thì sao? Vì đạo của Chúa không thuộc thế gian nhưng đến từ Đức Chúa Trời, nên biểu hiện lòng tin Ngài của con cái thật của Chúa không thể giống như người theo các tôn giáo trần gian. Biểu hiện của đức tin Cơ-đốc có hai lãnh vực: Thuộc tâm linh bên trong và sự biểu lộ qua bổn phận bên ngoài.
Mỗi lãnh vực lại có nhiều đức hạnh tuy khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau. Về tâm linh thì có: Lòng kính thờ, tôn trọng, yêu mến, tin cậy, tương giao thân mật với Chúa, tâm linh đổi mới thánh khiết, biết áp dụng Kinh Thánh, có tinh thần trách nhiệm cao, vv. Về bổn phận bên ngoài thì siêng năng thờ phượng chung, thường xuyên đọc Kinh Thánh cầu nguyện, tham dự học hỏi, tự trang bị, dâng hiến thì giờ-công sức-tiền bạc, chứng đạo, bày tỏ lòng nhân từ và tình yêu thương chân thành, sống đời thanh sạch gương mẫu, luyện tập khả năng chăm sóc và đào tạo, không tham gia các việc ô uế hay hành vi mê tín sai lạc, giữ lời hứa với Chúa và người, trang trí hình ảnh và vật dụng trong nhà chứng tỏ đức tin thanh sạch và mạnh mẽ, vv.
Mặc dù không phải mọi người thành thật tin Chúa đều có đủ các đức hạnh Chúa muốn, nhưng ít ra họ phải có đủ các tính chất chính của người được Chúa gọi là con yêu dấu của Ngài. Một đức hạnh vô cùng quan trọng mà nhiều người bị thiếu hụt, đó là lòng kính sợ Chúa. Vì sự kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan (Châm Ngôn 9:10) “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhận biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng,” nên chúng ta sẽ dành thì giờ để xem xét vấn đề cực kỳ quan trọng nầy. Đức Chúa Jesus đã dạy rất rõ điều răn lớn nhất (Mathiơ 22:37) “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.” Nhưng chỉ có ít người thực hiện điều răn rất quan trọng ấy. Có lẽ những người chưa thực hiện được điều răn nầy là do họ chưa hiểu rõ sự kính sợ Đức Chúa Trời có nghĩa gì và như thế nào. Vậy, sự kính sợ Đức Chúa Trời là gì?
Kính sợ khác với khiếp đảm kinh hãi. Mặc dù sự oai nghi thánh khiết của Chúa đáng kinh hãi hơn các thần linh chầu chung quanh Ngài (Thi Thiên 89:7) “Đức Chúa Trời thật đáng kính sợ trong hội các thánh, rất đáng kinh hãi hơn những kẻ đứng chầu chung quanh Ngài;” nhưng lòng chúng ta kính sợ Chúa không có sự khiếp đảm trong đó. Kính sợ Chúa là yêu thương, kính mến, hết sức tôn trọng Ngài. Đức Chúa Trời đúng là Đấng đáng sợ bởi quyền năng tột đỉnh vô song. Mặc dù có chữ ‘sợ’ trong từ ngữ kính sợ Chúa, nhưng người kính sợ Chúa không sợ hãi Ngài; bởi vì kính sợ Chúa là một đức hạnh khiêm nhu vâng lời xuất phát từ tình yêu thương nồng nàn đối với Cha yêu quý, Đấng đã hạ mình xuống để cứu chuộc chúng ta. Người nào thấy quyền năng siêu việt và vinh quang thánh của Chúa mà quá khiếp đảm, thì người ấy chưa biết nhiều để thân mật với Ngài.
Kính sợ Chúa là hạ mình xuống thừa nhận Đấng vinh quang đầy mỹ đức, là luôn luôn nhận thức rằng sự tồn tại hiện hữu của mình hoàn toàn lệ thuộc vào sự nhân từ của Ngài mà mình không đáng được hưởng. Sợ là vì Chúa có quyền cứu hay phạt chúng ta; sợ là vì không muốn bị đuổi xa khỏi mặt Đấng mình yêu thương. Mặc dù chúng ta được phép thân mật gần gũi với Chúa, nhưng không bao giờ có thể ngang hàng với Ngài. Kính sợ là sự tôn kính sâu xa trước Đấng vô cùng cao cả và nhận biết thân phận hèn mọn của mình. Kính sợ là sống và hành động theo mọi điều đã được dạy về ý Chúa. Như thời xưa, Môise truyền cho dân Israel (Phục Truyền 10:12–13) “Vậy, hỡi Israel, điều mà bây giờ Jehovah Đức Chúa Trời đòi hỏi anh em là gì nếu không phải là tôn kính Jehovah Đức Chúa Trời, đi trong đường lối Ngài, hết lòng hết linh hồn mà kính mến và phục vụ Jehovah Đức Chúa Trời, tuân giữ các điều răn và luật lệ của Đức Jehovah mà tôi truyền cho anh em ngày nay, để anh em được phước?”
Cũng cần phải xác định sự kính sợ Chúa khác với lòng tin vào Chúa. Bởi vì trong Hội Thánh có rất nhiều người tin vào Chúa nhưng chưa biết kính sợ Ngài. Bằng chứng của tâm linh chưa kính sợ Chúa là sự không vâng lời (Giacơ 2:19) “Bạn tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời, bạn tin đúng; ngay cả ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ.” Thế thì, hành động vâng lời là bằng cớ của lòng tin thật và kính sợ Chúa. (Xuất Ai-cập 9:20) kể chuyện các quan chức Ai cập tin và sợ Đức Chúa Trời nên đem gia súc và đầy tớ vào nhà tránh mưa đá “Trong số các bề tôi Pharaôn, người nào kính sợ lời Đức Jehovah thì rút nô lệ và súc vật mình về nhà.” Hành động ấy chứng tỏ họ tin. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Điều đáng buồn là miệng nói tin nhưng không có hành động chứng tỏ lòng mình tin; vì vậy, sự kính sợ Chúa vẫn còn là mục tiêu xa vời. Nếu ai chưa chịu kính sợ Chúa cần mệnh lệnh để nhớ, thì hãy đọc (Phục 10:12–13) và biết rằng Chúa muốn chúng ta kính sợ Ngài.
Tại sao sự kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan? Người ta có thể vâng lời những kẻ mình chẳng kính trọng chút nào, vì họ sợ quyền thế của người đó. Tín đồ Tin Lành có thể giữ lời Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là họ yêu mến Ngài. Họ sợ bị Chúa phạt nên không dám phạm tội. Lòng kính sợ Chúa chẳng những giữ mình không phạm tội mà còn tìm cách làm đẹp lòng Ngài nữa. Người thật lòng kính sợ và yêu mến Chúa chắc chắn sẽ được Ngài ban phước (Thi Thiên 34:9) “Hỡi các thánh của Đức Jehovah, hãy kính sợ Ngài! Vì người nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết.” Sự khôn ngoan mà người kính sợ Chúa nhận được thật là quý báu (Châm Ngôn 19:23) “Sự kính sợ Đức Jehovah dẫn đến sự sống: Làm cho người ta được thỏa nguyện, và ngăn cản mọi tai họa.” Người ấy cũng càng ngày càng thân mật gần gũi với Cha Thiên Thượng, được Ngài cho biết những việc sẽ đến, chỉ dẫn điều gì nên làm, điều gì nên tránh, và ngày càng khôn ngoan hơn.
Sự kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan vì tình yêu nồng nàn từ Chúa dẫn chúng ta đi tới cuối cùng. Cha chúng ta không chỉ là Đức Chúa Trời đầy quyền năng và công nghĩa, Ngài còn là Đức Chúa Trời nhân từ và yêu thương. Vì vậy, càng gần Chúa chừng nào, chúng ta càng muốn làm đẹp lòng Ngài chừng nấy. Kính sợ Cha chúng ta trên trời là cách biểu hiện lòng tin rõ ràng nhất của người xưng là tín đồ Tin Lành. Nhiều người chưa bao giờ kinh nghiệm hoặc cảm nhận sự hiện diện của Chúa vì họ sợ hãi Ngài chứ chưa thân mật gần gũi với Ngài. Chúa không bày tỏ hay bộc lộ sự hiện diện của Ngài cho những người như vậy vì Ngài không muốn họ bị kinh hãi. Khi ở chân núi Sinaii, dân Israel thấy vinh quang Chúa thì run rẩy; Môise bảo họ đừng sợ (Xuất Ai-cập 20:20) “Môise nói với dân chúng: ‘Đừng sợ, vì Đức Chúa Trời giáng lâm để thử lòng anh em, để anh em luôn kính sợ Ngài mà không phạm tội.‘”
Hãy bày tỏ các biểu hiện về lòng tin Chúa chân thật của mình. Hãy tập tành sự kính sợ và yêu mến Chúa. Nếu ai là con cái thật của Ngài thì không có điều gì phải sợ hãi. Vì Ngài rất muốn thân mật gần gũi với chúng ta. Ngày xưa Chúa phán với dân Israel qua tiên tri Jeremiah (32:39–40) “Ta sẽ ban cho chúng cùng một tấm lòng, cùng một đường lối để chúng kính sợ Ta trọn đời, nhờ đó chính chúng và dòng dõi con cháu chúng đều được phước. Ta sẽ lập với chúng một giao ước đời đời: Ta sẽ không lìa bỏ chúng và không ngừng ban phước cho chúng. Ta sẽ đặt sự kính sợ Ta vào lòng chúng để chúng không lìa bỏ Ta nữa.” Vì vậy, hãy biểu hiện lòng kính sợ Chúa để được Ngài ban cho sự khôn ngoan thiên thượng. Chúng ta hơn hẳn người đời nhờ sự khôn ngoan ấy.
KhoiDauMoi07.docx
MS CTB