Khởi Đầu Mới, 13
Hêbơrơ 9:19–22
“Vì khi Môi-se công bố mọi điều răn của luật pháp cho dân chúng, ông lấy máu của bò con và dê đực, với nước, dây nhung đỏ tía và nhánh bài hương rảy trên cuộn sách cùng trên cả dân chúng và nói: ‘Đây là máu của giao ước mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy các ngươi.‘ Và cùng cách ấy, ông lấy máu đó rảy trên đền tạm cùng tất cả khí dụng thờ phượng. Theo luật pháp, hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được tinh sạch; không đổ huyết thì không có sự tha thứ.”
Chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh hàng năm. Để có thể hiểu biết rõ ràng ý nghĩa của biến cố Đức Chúa Jesus phục sinh từ cõi chết đã đem đến những ích lợi gì cho con cái Ngài, chúng ta phải nắm vững những lý do nào dẫn tới sự chết hy sinh của Đức Chúa Jesus và hiểu rõ tầm quan trọng của sự đổ huyết đền tội theo luật pháp Đức Chúa Trời quy định. Có thể nói rằng tất cả những ai thường xuyên đọc và quen thuộc với các sách trong Kinh Thánh Cựu Ước, nhất là Ngũ Kinh do ông Môise viết, thì đều biết khá rành rẽ những hình ảnh và luật lệ về việc dâng các sinh tế, trong đó có sinh tế chuộc tội. Tuy nhiên, sự dâng sinh tế không phải chỉ tới thời dân Israel ra khỏi Aicập và thiết lập Đền Tạm mới có, mà ít người biết việc đó đã diễn ra từ nhiều ngàn năm trước.
Biến cố dâng sinh tế đầu tiên chép trong Kinh Thánh là ông Abel, người con thứ nhì của ông bà Adam và Eva, “dâng phần ngon nhất của chiên đầu lòng” làm lễ vật (Sáng Thế 4:4) và được Chúa nhận lễ vật ấy. Lý do nào ông Abel dâng sinh tế ấy thì suốt cả lịch sử loài người không ai biết được, vì nó không được ghi chép lại. Tại sao Đức Chúa Trời nhận lễ vật của Abel mà không nhận lễ vật bằng thổ sản của Cain? Lễ vật của Abel được nhận không phải vì phần thịt ngon của con chiên đầu lòng, nhưng vì đó là một sinh mạng. Ai dạy cho Abel dâng sinh mạng của một chiên con? Chúng ta không biết rõ; nhưng vào thời ấy loài người được phép trực tiếp nói chuyện với Đức Chúa Trời. Nếu do Chúa chỉ dẫn, thì lễ vật của Abel là lễ vật vâng lời, còn Cain thì không vâng lời.
Vì Môise không ghi chép lại nguyên nhân của việc dâng sinh tế, nên ngày nay chúng ta không biết tại sao thời ấy Abel biết phải dâng, và dâng như thế nào thì cũng không rõ ràng. Theo bản văn tường thuật ở phần Kinh Thánh nầy thì người ta có thể đoán lễ vật ấy là lễ vật tạ ơn chứ chưa phải là lễ vật chuộc tội; bởi vì Cain dùng thổ sản để tạ ơn. Rồi sau đó không thấy Kinh Thánh ghi chép gì thêm về sự dâng tế lễ. Chỉ có lời tường thuật người ta bắt đầu cầu khẩn Danh Đức Jehovah sau khi Seth có con trai đặt tên là Enosh (Sáng Thế 4:26) “Seth cũng sinh được một trai, đặt tên là Enosh. Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.” (Seth là con trai được bà Eva sinh sau khi mất Abel). Người ta cầu khẩn khi cần sự cứu giúp; cho nên, thời đó sự cầu khẩn Danh Đức Jehovah có lẽ cũng nhằm mục đích ấy. Nhưng, hình thức cầu khẩn như thế nào thì không ai biết rõ.
Tới thời Nôê, Đức Chúa Trời phán với ông, vì ông “cùng đi với Đức Chúa Trời” (Sáng Thế 6:9). Cùng đi với Chúa nghĩa là có đời sống trò chuyện thân mật với Ngài. Câu nầy có thể là bằng chứng về việc ông Nôê thường dâng tế lễ. Vì có đời sống cùng đi với Đức Chúa Trời, ông Nôê được Chúa chỉ dẫn thể lệ dâng tế lễ, rồi sau đó Ngài sai ông đóng một chiếc tàu đúng theo kích thước và cách thức Ngài chỉ dẫn. Vào thời người ta chưa biết luyện kim để chế cưa gỗ, ông Nôê đã mất hơn 100 năm để đóng xong chiếc tàu. Chúng ta có thể tin sự phán đoán nầy là đúng, vì sau khi nước lụt đã rút, ông Nôê ra khỏi tàu và dâng tế lễ thiêu (Sáng Thế 8:20) “Bấy giờ Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Ông bắt các loài thú thanh sạch và các loài chim thanh sạch làm tế lễ thiêu dâng lên bàn thờ.” Vậy, để được Chúa đáp lời khi cầu khẩn, có lẽ ông Nôê dâng tế lễ thiêu vào thời luật pháp của Chúa chưa được ban bố.
Sau biến cố tháp Babel, Kinh Thánh bắt đầu tường thuật cuộc đời ông Abram, tổ phụ của dân tộc Israel và dân Arab. Khi Abram di cư từ xứ Ur ở tả ngạn sông Euphrate tới xứ Canaan, ông lập một bàn thờ tại Sichem và một bàn thờ khác ở giữa BethEl với Ahi (Sáng Thế 12:7–8) “Đức Giê-hô-va hiện ra với Áp-ram và phán: ‘Ta sẽ ban xứ nầy cho dòng dõi con.‘ Tại đây, Abram lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện ra với ông. Từ đó, ông di chuyển đến vùng đồi núi phía đông BethEl, rồi đóng trại giữa BethEl ở phía tây, và Ahi ở phía đông. Ông cũng lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn danh Ngài.” Vẫn chưa có lời ký thuật nào về sự dâng tế lễ trên hai bàn thờ ấy và bàn thờ tại Hebron ra sao (Sáng Thế 13:18) “Abram dời trại đến định cư gần những cây sồi của Mamre, thuộc Hebron, và lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va.”
Mãi tới khi Đức Chúa Trời lập một giao ước vĩnh viễn với Abram, Kinh Thánh mới ghi rõ các con thú mà Chúa bảo ông Abram phải dâng để lập giao ước (Sáng Thế 15:9–10) “‘Con hãy đem cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con chiên đực ba tuổi, một con chim ngói và một con bồ câu con.‘ Abram dâng lên Ngài tất cả những lễ vật trên, xẻ chúng làm đôi và để mỗi bên một nửa đối nhau, nhưng không xẻ đôi các loài chim.” Ngoài lời ghi chép việc ông Abraham cầu khẩn danh Đức Jehovah tại Beer-Sheba, sự tế lễ được chép rõ ràng hơn khi ông Abraham bị Chúa thử lòng phải dâng Isaac làm tế lễ thiêu (Sáng Thế 22:7, 13) “Isaac nói với Abraham, cha mình: ‘Thưa cha!‘ Ông đáp: ‘Con ơi! Cha đây.‘ Isaac hỏi: ‘Củi và lửa đã sẵn sàng, nhưng chiên con ở đâu để dâng tế lễ thiêu?‘ … Abraham ngước mắt nhìn và thấy một con chiên đực, sừng mắc trong bụi cây. Abraham bắt con chiên đực đó dâng làm tế lễ thiêu thay cho con trai mình.”
Sau khi Abraham qua đời, Isaac, con trai ông vẫn du canh, du cư lòng vòng khắp vùng lân cận xứ Canaan, để rồi cuối cùng trở lại Beer-Sheba. Tại đó, Isaac lập một bàn thờ và cầu khẩn Danh Đức Jehovah (Sáng Thế 26:25) “Isaac lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó.” Tới đời Jacob, con trai của Isaac, chỉ có một chỗ ký thuật việc ông dâng một sinh tế trên núi sau khi chạy trốn Laban để trở về quê hương xứ Canaan (Sáng Thế 31:53b-54a) “Jacob nhân danh Đấng mà cha mình là Isaac kính sợ mà thề, rồi dâng sinh tế tại trên núi, và mời các anh em bà con dùng bữa;” rồi vâng lời phán của Đức Chúa Trời lập một bàn thờ tại BethEl (Sáng Thế 35:1) “Đức Chúa Trời phán với Jacob: ‘Hãy mau đi lên BethEl và ở đó. Cũng hãy lập tại đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã hiện ra với con khi con chạy trốn anh con là Esau,’” và dâng một sinh tế tại Beer-Sheba trên đường từ xứ Canaan xuống Ai-cập để gặp lại Joseph, đứa con trai yêu dấu bị các người con lớn thù ghét bán đi làm nô lệ, mà ông tưởng đã chết lâu rồi (Sáng Thế 46:1) “Israel lên đường, đem theo tất cả tài sản. Đến Beer Sheba, ông dâng sinh tế lên Đức Chúa Trời của Isaac, cha mình.”
Dù vậy, sau bốn trăm năm làm nô lệ tại Ai-cập, các luật lệ về việc dâng sinh tế chuộc tội được Đức Chúa Trời ban qua lãnh tụ Môise tại chân núi Sinaii, sau khi đoàn dân Israel đông khoảng hai triệu người được Đức Chúa Trời giải thoát khỏi kiếp nô lệ tại Ai-cập để trở về Canaan là vùng đất Chúa hứa ban cho họ từ thời tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, con vật làm sinh tế được Chúa quy định rõ khi Ngài bảo họ thiết lập lễ Vượt Qua trong đêm họ sẽ đi ra khỏi Ai cập (Xuất Ai-cập 12:5–7, 13) “Hãy bắt trong bầy chiên hoặc trong bầy dê của các con, một chiên con đực hay là dê con đực một năm tuổi, không tì vết; giữ đó cho đến ngày mười bốn tháng nầy; đó là ngày cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sẽ giết con vật vào lúc chiều tối. Họ sẽ lấy máu bôi lên hai thanh dọc và thanh ngang cửa ra vào của nhà nào ăn thịt chiên con đó. … Máu bôi trên nhà các con đang ở sẽ là dấu hiệu cho các con. Khi Ta hành hại Ai Cập, thấy máu đó thì Ta sẽ lướt qua và sẽ không có tai nạn nào giáng xuống tiêu diệt các con.” Vì chiên con đã bị giết để lấy máu nó bôi lên bên ngoài khung cửa làm dấu hiệu nhà đó được máu của con sinh tế che chở; cho nên, khi Đức Chúa Jesus bắt đầu thi hành thánh vụ của Ngài thì Giăng Baptist tiết lộ (Giăng 1:29) “Hôm sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến với mình, thì nói rằng: ‘Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi!‘” Và Phaolô giải thích Ngài là Chiên Con Lễ Vượt Qua (1Côrinhtô 5:7b) “Vì Đấng Christ, Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta đã được dâng làm sinh tế rồi.”
Sau khi ông bà Adam và Eva phạm tội, họ kết lá cây vả che thân vì biết mình lõa lồ, Đức Chúa Trời đã lấy da thú kết thành hai chiếc áo dài rồi mặc vào cho họ (Sáng Thế 3:21) “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành chiếc áo dài cho vợ chồng Adam rồi mặc vào cho họ.” Nghĩa là ít nhất hai con thú đã phải bị giết vì tội lỗi của loài người từ thời thái cổ. Rồi những con chiên làm sinh tế che chở mạng sống của dân Israel trong đêm Lễ Vượt Qua đầu tiên. Tới đúng kỳ hạn, Đức Chúa Jesus đã đến để được sinh ra dưới luật pháp (Galati 4:4–5) “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến, do một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp, để chuộc những người ở dưới luật pháp, và nhờ đó chúng ta được nhận làm con nuôi của Ngài,” để Ngài có thể làm trọn những điều kiện luật pháp đòi hỏi về một sinh tế toàn hảo có thể chuộc tội cho cả loài người. Hình thức sinh tế thế mạng đã có từ thời Sáng Thế tới ngày Đức Chúa Jesus làm sinh tế toàn hảo thì chấm dứt.
Hôm nay, khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm sự thương khó của Đức Chúa Jesus và mừng lễ Phục Sinh, hãy ôn lại những sự hiểu biết nầy để ghi nhớ công ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta miễn phí. Vì có hiểu biết thì lễ kỷ niệm của chúng ta mới là kỷ niệm đúng nghĩa.
KhoiDauMoi13.docx
MS CTB