Lúa Và Cỏ Dại – Hiểu Biết Ơn Tiên Tri, bài 4

Chúa Nhật, September 9th, 2012

Lúa Và Cỏ Dại

Mathiơ 13:24–30

Trong khi Đức Chúa Trời ban phát các thánh vụ tiên tri xuất chúng cho Hội Thánh, thì cũng nổi lên cả đám tiên tri giả bận rộn nói tiên tri ở khắp nơi. Đặc biệt là ở các hệ phái ngũ tuần, ân tứ. Nhiều người thắc mắc, nếu ơn tiên tri thật sự từ Đức Thánh Linh ban cho thì tại sao Chúa lại cho phép tình trạng đó xảy ra? Hôm nay, khi chúng ta xem xét ngụ ngôn về cỏ dại lẫn lộn trong ruộng lúa do Đức Chúa Giêxu dạy dỗ, thì chúng ta biết việc đó chắc chắn sẽ xảy ra; nếu không xảy ra thì mới là điều bất thường. Đức Chúa Giêxu cũng cho biết rằng: “Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên, lừa gạt nhiều người” (Mathiơ 24:11). Khi Chúa nói về các tiên tri giả, thì Ngài cũng hàm ý rằng trong lúc đó sẽ có nhiều tiên tri thật. Nếu không, thì Ngài đã nói cho các môn đồ Ngài biết rằng tất cả các tiên tri vào thời tận thế đều là giả mạo hết.

Người ta dựa vào tiền thật để làm tiền giả, bắt chước hàng thật để làm hàng giả. Bọn in tiền giả không khi nào in giấy $15 mỹ kim, hay $3 mỹ kim, vì thực tế tiền giấy mỹ kim chẳng khi nào có các giấy mang mệnh giá đó. Đức Thánh Linh ban ơn tiên tri để Hội Thánh được gây dựng cho đến khi hoàn hảo. Ngày nào Hội-thánh còn trên đất và chưa hoàn hảo, thì ơn tiên tri vẫn cần thiết cho mọi con cái Chúa. Vì có ơn tiên tri thật, cũng sẽ có tiên tri giả. Kẻ thù của Hội Thánh vẫn giả mạo bất cứ ân tứ thiêng liêng nào. Như vậy, làm thế nào chúng ta phân biệt được giữa thật và giả khác nhau ra sao? Những người sợ bị lừa dối đã tránh xa tất cả các ân tứ thuộc linh và ơn tiên tri. Nhưng làm như vậy là vô tình giúp cho kẻ thù đạt được mục đích. Nếu chúng ta không đạt được mức trưởng thành trong sự hiểu biết và vận dụng các ân tứ thuộc linh, chúng ta sẽ lâm vào trạng huống khốn khổ vì chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chạm trán cuối cùng với kẻ thù. Hơn nữa, ai chưa trưởng thành trong việc sử dụng các ân tứ thuộc linh thật, ấy là người dễ bị lừa gạt nhất.

Kẻ thù không thể gieo hột cỏ dại vào ruộng của Chúa nếu Ngài không cho phép. Vì thế, việc cho phép kẻ thù gieo cỏ dại vào ruộng là do Chúa có mục đích. Việc chúng ta tập luyện đối phó với cỏ dại vào lúc nầy sẽ giúp chúng ta sẵn sàng trong cuộc chiến lớn của thời cuối cùng. Không phải Đức Chúa Giêxu không biết Giuđa Íchcariốt là tay ăn trộm, Ngài vẫn giao túi tiền cho người nầy giữ. Trong vòng các môn đồ của mình, Chúa vẫn cho phép các tình huống dẫn đến sự đương đầu với cái ác. Mục đích nầy quan trọng hơn là sự hoà hợp hay giữ tiền của cho an toàn. Chúa đã luyện tập các môn đồ của Ngài phải đương đầu với kẻ thù bên ngoài lẫn trong nội bộ nữa.

Các Hội Thánh thường dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để giữ không cho có cỏ dại lẫn lộn với lúa trong nội bộ mình. Việc làm ấy thường vô ích, bởi vì chính Chúa muốn có cỏ dại xen vào vì thế Ngài cho phép satan gieo cỏ dại. Mục đích của Ngài là: “Cứ để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt” (30); bởi vì nếu chúng ta cố gắng loại trừ cỏ dại trước khi mùa gặt đến, mình sẽ huỷ hoại lúa mì cùng với cỏ dại. Một số Hội Thánh không hiểu nguyên tắc nầy nên đã dập tắt vài người nhận được ơn tiên tri ở thời kỳ phôi thai. Mùa gặt tức là thời gian trưởng thành. Khi lúa mì và cỏ dại còn nhỏ thì khó phân biệt vì chúng trông giống nhau. Lúc trưởng thành, lúa mì đầy hạt trĩu ngọn xuống, còn cỏ dại vẫn đứng thẳng. Bằng sự trưởng thành, những ân tứ thật từ Chúa làm chúng ta biết khiêm tốn hạ mình; còn ân tứ giả mạo khiến cho người ta kiêu hãnh thêm.

Người có ơn tiên tri thật chưa trưởng thành cũng vô ích như tiên tri giả. Samuên bị sai sót vì đánh giá theo bề ngoài (1Samuên 16:4–12). Chúng ta không thể biết sự thật trong lòng người ngoại trừ Chúa mặc khải, là ơn mà chúng ta tìm kiếm. Nhiều người lãnh đạo Hội Thánh chuộng yên ổn và hoà hợp trong hội chúng của mình hơn là mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời. Không ai dám nói ra điều đó, nhưng cách hành xử bộc lộ ý tưởng của họ. Không hội chúng nào hoàn toàn thuận thảo và trật tự. Vì tánh ý chung của chúng ta là đặt sự an toàn trên hết, cho nên không thích có sự thay đổi. Mọi cơ thể sống và tăng trưởng đều phải đương đầu với những khó khăn từ môi trường chung quanh. Nhưng các sự thử thách thường có mục đích giải thoát chúng ta khỏi cái ách của tâm lý sợ sự thay đổi, và giúp chúng ta tiến tới đúng hướng. Chẳng một Hội Thánh nào muốn có các thành viên giống như những môn đồ mà Đức Chúa Giêxu đã chọn. Vì họ thường gây rắc rối cho Ngài, và đến lúc Ngài cần họ nhất, thì tất cả đều bỏ rơi Ngài và chạy trốn. Chúng ta cần phải học nhiều điều để đối phó với cả lúa mì lẫn cỏ dại.

Về nguyên tắc tiên tri thì thường là cõi thể chất phản ảnh các thực tế của cõi linh siêu nhiên. Ví dụ, Kinh Thánh dùng dầu làm biểu tượng cho quyền năng; cho nên, người được ơn thuộc linh đặc biệt gọi là được xức dầu: “Thánh Linh của Chúa ngự trên Ta, và Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin-lành cho người nghèo, sai Ta công bố giải phóng tù nhân, cho người mù được sáng, trả tự do cho người bị áp bức, và tuyên cáo năm lành của Chúa” (Luca 4:18–19). Sở dĩ dùng dầu để xức khi cầu nguyện cho ai đó, vì dầu tiêu biểu cho quyền phép của Đức Thánh Linh. Chữ ‘dầu’ là biểu tượng; cho nên vùng Trung Đông, nơi có trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất thế giới, khu vực luôn luôn có mầm mống xung đột dẫn tới chiến tranh lớn. Điều nầy là phản ảnh nguyên tắc cõi linh: Chỗ nào nhận được sự xức dầu mạnh nhất sẽ là nơi có xung đột và tranh cãi nhiều nhất. Đó là lý do ơn tiên tri do mặc khải là ân tứ thuộc linh gây ra nhiều ý kiến tranh cãi và bất đồng.

Không thánh vụ nào khác có tiềm năng đem đến hoặc là ơn phước hoặc là tai hoạ như ân tứ tiên tri. Nhưng nơi nào nhận được ân tứ tiên tri thì cũng phải học tập sống chung và đối phó với cỏ dại. Đừng nghĩ rằng mình sẽ hơn người khác, sẽ không gặp rắc rối gì một khi được Chúa ban cho ơn tiên tri. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể bước đi trong sự trọn vẹn của thánh vụ, cho tới chừng chịu sẵn sàng từ bỏ tất cả, chỉ dành tình yêu mến của chúng ta cho chân lý và ý muốn của Chúa. Được phục vụ trong thánh vụ tiên tri là sứ mạng thánh khiết và vinh dự nhất mà một người có được trên trần gian nầy. Đức Chúa Trời không định cho thánh vụ tiên tri là thấp kém, nhưng để giữ cho nó không trở nên thấp kém, thì Ngài thường cho phép nó có vẻ tầm thường bằng cách cho phép chân giả lẫn lộn, như cỏ dại lẫn trong lúa mì, để khi thánh vụ đã trưởng thành thì loại trừ sự giả vờ và loại bỏ những người bị tham vọng cá nhân xúi giục muốn được ơn tiên tri.

Khi thánh vụ tiên tri gia tăng ảnh hưởng trong Hội Thánh, trong lúc những thành công đem đến kết quả lớn, thì những sai sót cũng tạo nên lắm sự thiệt hại. Vì thế, khi thánh vụ tiên tri chưa trưởng thành mà đã vội muốn tạo ảnh hưởng cho mọi người thấy, thì chẳng những đã sai trật mà còn đem đến thảm hoạ. Những người thật sự hiểu về uy quyền thuộc linh sẽ tự động tìm kiếm vai trò thấp nhất. Bởi vì tham gia vào trách nhiệm nhân Danh Chúa mà nói, chúng ta cần phải được chuẩn bị kỹ càng; nếu không, chúng ta sẽ gây hại hơn là làm lợi cho Chúa. Cho nên, chúng ta sẽ theo đuổi và tìm kiếm ân tứ thuộc linh chứ không phải địa vị hay quyền lợi. Bất cứ ảnh hưởng gì tạo được do tự quảng cáo hay tự tôn mình lên sẽ trở thành hòn đá vấp ngã cho chính mình. Càng lên địa vị cao chừng nào, mọi sự càng nghiêm trọng, nào quyền thế, áp lực, kết quả lẫn thiệt hại.

Không có gì sai khi mong muốn một thánh vụ cao trọng, nếu chúng ta có lý do đúng đắn: để vinh Danh Chúa và hoàn thành ý muốn của Ngài. Như tác giả thư Hêbơrơ nói về chức vụ tế lễ: “Không ai giành lấy vinh dự nầy cho mình, nhưng phải được Đức Chúa Trời kêu gọi, như A-rôn vậy. Cũng thế, không phải Đấng Christ tự tôn mình làm Thầy tế lễ thượng phẩm” (Hêbơrơ 5:4–5). Chúng ta cũng phải bắt chước tâm tình của Chúa mình.

Hiện nay chúng ta thấy như là cỏ dại ở khắp nơi, không thiếu trong bất cứ thánh vụ hay lãnh vực nào. Dù cỏ dại và lúa mì lớn lên chung với nhau, nhưng sẽ đến lúc phải phân lúa mì ra khỏi cỏ dại mới có thể làm bánh. Tiến trình ấy rất là khó chịu và phải làm đúng thời kỳ, để không hại tới lúa mì, mà loại được cỏ dại. Nếu Đức Chúa Giêxu phải chịu khổ để tỏ lòng vâng phục, chúng ta cũng hãy sẵn sàng chịu khổ qua thử thách và hoạn nạn cần thiết để đạt mức trưởng thành theo sự đòi hỏi của uy quyền thuộc linh chân thật.

HieuBietOnTienTri04.docx

Rev. Dr. CTB – (theo The Prophetic Ministry, chapter 3, by Rick Joyner)