Chúa Nhật, January 27th, 2013
Hiểu Biết Ơn Tiên Tri 19
Chiêm Bao và Các Cảm Nhận Tiên Tri
Công Vụ 2:17
Chiêm bao là hoạt động trong trí não của người đang ngủ về một loạt diễn biến các sự việc như trong cảnh thực. Rất nhiều chiêm bao, cũng gọi là giấc mơ, chẳng có ý nghĩa gì hết đối với người thấy chiêm bao. Thông thường thì người ta chiêm bao vì chúng là phản ảnh của những sự việc, các ý nghĩ và cảm giác, cảm xúc trong ngày hoặc nhiều ngày trước. Một phần lớn các giấc chiêm bao khác là sự hồi tưởng những ký ức của vùng vô thức trong não bộ về các sự kiện, sự việc quan trọng đã xảy ra trong đời, hay những ước ao mãnh liệt, tình yêu thiết tha chưa thành tựu, hoặc ký ức về thời gian sinh sống lâu dài ở một miền nào đó với gia đình thân thuộc; tất cả các ký ức hay kỷ niệm ấy đều gây nên những vết hằn sâu đậm trong tâm trí của người chiêm bao. Về một phương diện khác Vua Sa-lô-môn giải thích rằng: “Nhiều điều lo lắng sinh ra chiêm bao” (Truyền Đạo 5:3). Tất cả những loại chiêm bao nói trên đều có nguồn gốc tự nhiên và không có ý nghĩa hệ trọng nào về mặt tâm linh.
Nhưng có nhiều giấc chiêm bao là các sứ điệp hay thông tin cụ thể từ Đức Chúa Trời tới cho loài người. Những giấc chiêm bao từ nguồn gốc siêu nhiên đó cần phải được giải nghĩa và ứng dụng cho người thấy chiêm bao, và đôi khi cả những người có liên hệ. Để có thể hiểu biết các sứ điệp của Chúa và áp dụng cho mình, chúng ta cần phải biết phân biệt giữa những giấc chiêm bao thông thường với các chiêm bao siêu nhiên có tính cách tiên tri bằng cách xét xem giấc mơ ấy có đúng vào một trong các câu hỏi nào sau đây: Giấc mơ đó có thức tỉnh mình phải cầu nguyện, ăn năn và tìm kiếm Chúa không? Có cảm nhận nào về sự hiện diện của Chúa khi đang thấy giấc mơ hoặc ngay sau khi thức dậy không? Giữa cơn chiêm bao, có ý thức rằng giấc mơ ấy đến từ Chúa không? Chiêm bao ấy có lặp đi lặp lại nhiều lần không? Chiêm bao ấy có tính biểu tượng hay kỳ bí không? Trong chiêm bao, có thấy hoặc nghe lời Kinh-thánh đọc không? Chiêm bao ấy có làm cho giật mình thức giấc không? Cơn chiêm bao ấy có vương vấn trong tâm trí nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần không? Nếu ai trả lời có đối với một hay nhiều câu hỏi trên, thì rất có thể giấc mơ ấy là do Thánh Linh của Đức Chúa Trời cảm ứng.
Các cơn chiêm bao siêu nhiên là một trong nhiều cách thông thường nhất mà những người có ơn tiên tri nhận được từ nơi Chúa. Trong cả Cựu lẫn Tân-ước, có rất nhiều ký thuật quan trọng liên quan tới chiêm bao. Áp-ra-ham được Chúa cho biết trước tương lai lâu về sau của dòng dõi mình khi ông chìm vào giấc ngủ mê (Sáng-thế 15:12–16); Gia-cốp chiêm bao thấy cổng trời và được Đức Chúa Trời ban phước (Sáng-thế 28:10 –15); Giô-sép được cho thấy tương lai của chính ông qua hai giấc mơ quan trọng (Sáng-thế 37:5–9), sau đó lại giải mộng cho hai vị quan, rồi giải nghĩa hai giấc mơ của vua Ai-cập, nhờ đó được lên làm tể tướng Ai-cập (Sáng-thế 40, 41:1–43); Tiên tri Đa-ni-ên vừa có ơn giải mộng vừa được thấy tương lai thế giới qua chiêm bao (Đa-ni-ên 2, 7, 8). Nếu kể hết các chiêm bao siêu nhiên trong Kinh-thánh Cựu-ước thì còn rất nhiều.
Trong Tân-ước cũng ký thuật những giấc chiêm bao có tính tiên tri từ Chúa đến: Giô-sép, là hôn phu của Mary được thiên sứ dạy bảo trong giấc mơ đừng ngại cưới Mary làm vợ và nuôi con trai do Mary sinh ra, vì đó là Con Thánh. Sau khi các nhà thông thái đến thăm rồi ra về, ông thấy trong chiêm bao thiên sứ bảo hãy mang Con Trẻ và mẹ Ngài trốn sang Ai-cập, rồi lại được thiên sứ báo tin trong chiêm bao hãy đem Con Trẻ về quê hương vì Hê-rốt đã qua đời (Mathiơ 1:20–21; 2:13, 20); các nhà thông thái cũng được Chúa bảo trong chiêm bao đừng trở về gặp Hê-rốt (Mathiơ 2:12). Phaolô thấy một người Ma-xê-đoan trong chiêm bao nài nỉ ông đến cứu giúp (Công-vụ 16:9); ông lại được thiên sứ hiện ra trong chiêm bao cho biết ông và mọi người đồng đi trên thuyền sẽ sống sót trong cơn bão (Công-vụ 27:24). – Vậy, chiêm bao siêu nhiên là cách Đức Chúa Trời tỏ sự bí mật hoặc báo trước điều sẽ xảy ra cho người mà Ngài ban ơn tiên tri (Dân-số-ký 12:6).
Trực giác hay ấn tượng là tri thức hay sự hiểu biết đến cách bất chợt, không qua những bước lý luận hay dò xét. Trong đời của mỗi người, chúng ta kinh nghiệm nhiều ý nghĩ từ trực giác đến. Bình thường nhất là khi gặp ai đó lần đầu tiên, trực giác cho ta biết sơ qua về người ấy. Hoặc khi đứng trước một cảnh ngộ nào, trực giác của mình cho biết kết quả của nó sẽ ra sao, mặc dù chưa có lý do nào để chứng minh cảm nhận đó của mình. Người ta gọi điều đó là giác quan thứ sáu, là cảm tưởng chưa giải thích được, là điều cảm thấy trong lòng, vv; người nào cũng có kinh nghiệm ấy cả. Phản ứng của người ta là thường cho rằng ‘chắc chỉ có mình nghĩ thế thôi,’ rồi xua đuổi nó đi, chứ ít khi để ý đến sự chính xác của cảm nhận bất chợt lúc ban đầu đó.
Một số tín hữu chưa hiểu biết nhiều về lãnh vực nầy lại cho rằng điều đó thuộc về xác thịt hay ma quỷ, dành cho đám thầy bói, phù thuỷ, tà thuật, vv. Trái lại, nhiều người suy nghĩ khác: Vì công tác cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu đã phục hồi những khả năng nguyên thuỷ của loài người cho những con dân Ngài; chúng ta nhờ ơn thánh hoá vẫn có thể sử dụng trực giác cho Vương-quốc của Đức Chúa Trời. Phaolô dạy rằng: “Đối với người thanh sạch, điều gì cũng thanh sạch; còn đối với người ô uế, không có đức tin, thì không có gì là thanh sạch cả, nhưng trí óc và lương tâm họ đều ô uế” (Tít 1:15). Thế thì, trực giác hay linh tính của những người đã đầu phục Đức Thánh Linh và được Ngài hướng dẫn, thì khác hẳn loại đoán quá khứ vị lai của bọn người bói toán, tướng số, vv. Họ có thể được Ngài cho biết những gì người thường không biết.
Một phương diện khác của ơn tiên tri được Đức Thánh Linh bày tỏ cho con dân Ngài là cảm tưởng hay cảm nhận; nghĩa là Chúa làm cho tâm trí chúng ta cảm nhận về một việc hay vấn đề gì đó. Cảm nhận nghĩa là biết một cách siêu nhiên. Như lúc Đức Chúa Giêxu “biết tư tưởng họ” khi người Do-thái nghĩ rằng Ngài cậy chúa quỷ để trừ quỷ (Luca 11:14–17). Hay khi mấy thầy dạy luật nghĩ thầm rằng Đức Chúa Giêxu phạm thượng khi Ngài cho người bại biết tội lỗi ông ta đã được tha thì: “Trong tâm linh, Đức Chúa Giêxu biết ngay tư tưởng họ…” (Mác 2:5–8). Hoặc lúc Phierơ biết tâm địa của thuật sĩ Si-môn: “Vì tôi thấy anh đang ở trong mật đắng, và trong xiềng xích của tội ác” (Công-vụ 8:23). Trường hợp Phaolô cảm nhận cuộc hành trình của chiếc tàu mà ông đang đi sẽ vô cùng nguy hiểm, cũng là cảm nhận tiên tri đến từ Chúa (Công-Vụ 27:10).
Cảm nhận tiên tri nầy là điều thường xảy ra nhất trong đời sống của những người nhận được ơn tiên tri. Chúng ta cần phải lưu ý tới những sự thúc đẩy nhẹ nhàng của Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta, để có thể ngày càng nhạy bén với sự chỉ dẫn của Ngài; không phải chỉ đối với các điều mình quan tâm hay lợi ích của mình, nhưng cũng để giúp đỡ người khác hay tạo cơ hội cho họ biết Chúa và tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài. Khi chúng ta nhạy bén với sự mặc khải của Thánh Linh, thì sẽ có thể nhận ra nhiều điều như là: có mối hiểm nguy trước mặt hay chuyện nguy hiểm sắp sửa xảy ra, cẩn thận đừng vội quyết định vì sẽ bị thiệt hại và tốn kém nhiều, tật bệnh kín đáo của người khác, hay những ý tưởng, toan tính trong lòng người đang nói chuyện với mình, vv.
Những cảm nhận đó khi lên các trình độ cao hơn thì sẽ thành tiếng nói trong lòng hay nghe rõ tiếng nói qua thính giác. Sự nghe qua thính giác những lời chỉ dẫn của Đức Thánh Linh khác hẳn với loại người nghe các thứ tiếng xúi giục làm điều bậy bạ, sai trật, từ các thế lực trong thế giới tối tăm. Bởi đã có những người do không được dạy dỗ đúng, vì nghe theo những lời xúi giục của ma quỷ xưng là thánh linh của Chúa, đã giết người khác hoặc làm những hành vi quái gở, điên rồ. Những người ấy thường bị người ta liệt vào hạng điên khùng, là nạn nhân của tà giáo hoặc của các tín đồ thích làm lang băm thuộc linh, vì tưởng họ đã biết đủ về phương diện nầy.
Những ai thấm nhuần Lời Chúa thì không sợ trường hợp trên, vì đã biết phân biệt tiếng Chúa với tiếng không phải của Chúa; như Đức Chúa Giêxu có phán: “Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta … Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng, và chúng theo Ta” (Giăng 10:14, 27). Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm, thì rất ít khi Chúa nói qua tai người nhận, Ngài thường dùng tiếng nói trong tâm linh đã được thánh hoá, là nơi đầy sự sáng mà ma quỷ không thể tới được.
HieuBietOnTienTri19.docx
Rev. Dr. CTB