Chúa Nhật, December 15th, 2013
Các Vấn Đề Quan Trọng, 11
2Phi-e-rơ 1:2–4
Rất nhiều khi chúng ta có thắc mắc về những lý do tại sao mình chưa nhận được các phước lành được hứa trong Kinh-thánh. Có những điều kiện hoặc mối liên hệ nào giữa lòng tin của tín hữu với những ơn phước đó không? Câu trả lời của Kinh-thánh là ân điển và bình an sẽ gia tăng cho những ai hiểu biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ (2). Vậy nên, để giải đáp các thắc mắc, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu mối liên hệ giữa sự hiểu biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ, với sự gia tăng ân sủng và bình an là như thế nào; cũng để thiết lập nền móng vững chắc cho đời sống tâm linh của chúng ta nữa.
Khi Đức Chúa Giêxu giáng sinh xuống trần gian, thực hiện chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thì Ngài đã làm hết mọi việc của một Đấng Cứu Thế. Chẳng những Ngài đã bảo đảm sự cứu rỗi cho mọi người tin qua công ơn đổ huyết ra chuộc tội cho nhân loại, mà Ngài còn tuôn đổ trên mọi người tin vào Ngài tất cả các ơn phước thuộc linh cần thiết cho sự sống và sống đạo đức. Không có điều chi cần thiết cho sự phát triển và trưởng thành tâm linh của con dân Ngài mà Chúa chưa làm. Như lời khẳng định chắc chắn trong hình thức một câu hỏi, sứ đồ Phao-lô truyền đạt một chân lý không thể tranh biện nổi: “Đức Chúa Trời đã không tiếc chính Con Ngài, nhưng vì tất cả chúng ta mà giao nộp Con; lẽ nào Ngài chẳng ban tất cả mọi sự luôn với Con Ngài cho chúng ta sao?” (Rôma 8:32).
Như vậy, bất cứ ai đã tiếp nhận ơn cứu rỗi từ Đức Chúa Giêxu đều đang có sẵn một kho tàng thịnh vượng vô cùng lớn; bởi vì kho tàng ấy chứa đựng tất cả các ơn phước thuộc linh từ cõi linh ban cho. Chính các ơn phước ấy điều động và tạo ra các ơn phước vật chất. Tuy nhiên, để biết sử dụng, khai thác kho tàng thịnh vượng nầy, người tin phải trưởng thành trong sự hiểu biết Chúa. Vì những người có trình độ hiểu biết tâm linh ấu trĩ sẽ không biết cách nào thực hành sự cứu rỗi mà Chúa đã ban vào lòng mình. Khi chúng ta quyết định tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài, tức là tin Đức Chúa Giêxu là Đấng Cứu Thế, thì tiến trình trưởng thành trong Đấng Christ chỉ đơn giản là học biết cách thực hiện trong đời sống mình những gì Đức Chúa Trời đã ban trong lòng chúng ta. Tập tành sự trưởng thành tâm linh tức là luyện tập dùng thực thể thuộc linh đang cư trú trong chúng ta qua Đức Thánh Linh, tức là sự thánh khiết, để sống cuộc sống bình thường mỗi ngày.
Bào thai một đứa trẻ trong dạ con của người mẹ đã có sẵn các tố chất di truyền, đặc tính, đặc điểm được tạo nên từ thời điểm người mẹ thụ thai. Cũng vậy, Đức Chúa Trời đã ban Đức Thánh Linh để bày tỏ những đặc tính thuộc linh, các khả năng và năng lực mà Ngài đặt vào mọi phương diện của đời sống chúng ta khi chúng ta tiếp nhận Ngài. Hơn thế nữa, khi chúng ta tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ là Vị Cứu Tinh của mình, và Ngài bước vào lòng chúng ta, thì không phải Ngài chỉ ban cho vài ơn phước thuộc linh, mà Ngài ban tất cả các ơn phước tâm linh từ thiên đàng. Khi ta còn là một người ấu trĩ trong Chúa, chúng ta không biết tất cả những gì mình có, hoặc những gì đang nằm sẵn ở tương lai trước mặt mình. Giống như một hài nhi nằm trong nôi không biết nó sẽ bò, trườn, ngồi, đứng, đi, chạy nhảy, và mọi khả năng khác trong tương lai.
Dù chúng ta chưa biết, thì sự đầy dẫy của các ơn phước tâm linh vẫn ở sẵn trong lòng chúng ta rồi. Công việc của chúng ta là tăng trưởng trong sự hiểu biết của mình về các ơn phước ấy, rồi áp dụng chúng và sống với chúng. Các ơn phước tâm linh giống như hột giống thiêng liêng gieo vững chắc vào cõi lòng đức tin. Hột giống ấy phải được chăm sóc và tưới bằng Lời Chúa qua sự tham dự các buổi học Kinh-thánh, cũng như sự đọc và suy gẫm Kinh-thánh và cầu nguyên tương giao với Chúa mỗi ngày. Ai không làm điều đó, đời sống tâm linh sẽ không thể tăng trưởng, mãi là một người có nếp sống tâm linh ấu trĩ, bạc nhược dần và bị cuốn trôi theo thế gian tội lỗi.
Sự khác nhau giữa tín hữu có tâm linh trưởng thành với tín hữu ấu trĩ là người trưởng thành biết cách tiếp xúc với những ơn phước tâm linh hơn hẳn những người kia. Khi họ đối diện khủng hoảng trong đời sống bước đi theo Chúa, thì họ không cần phải chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm đức tin, ân sủng và sức lực. Vì những điều đó đã có sẵn trong họ rồi và họ đã biết cách vận dụng thích hợp. Vì vậy, điều mà chúng ta cần phải học trong đời sống tâm linh của mình là cách thức nào có thể lấy được các ơn phước đang có sẵn đó và vui hưởng trong bước đi mỗi ngày của mình với Chúa. Một điều chúng ta có thể biết chắc chắn là không tín hữu nào sở hữu Chúa nhiều hơn người khác. Sở dĩ họ được phước nhiều hơn là vì họ trung thành bước đi với Chúa, nhờ đó được biết các cách thức tiếp xúc và sử dụng các ơn phước ấy khiến đời sống tâm linh họ thịnh vượng.
Vì lý do đó, sứ đồ Phao-lô khuyên: “.. anh em hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (Phi-líp 2:12). Thực hành sự cứu rỗi không có nghĩa là luôn luôn chạy đi tìm từ vị mục sư nầy sang mục sư khác với hi vọng được vị nào có sự xức dầu mạnh hơn đặt tay cầu nguyện đem phước đến cho mình. Những hi vọng ấy dù có vẻ thiêng liêng nhưng lại nhuộm màu mê tín, sùng bái cá nhân. Mặc dù chỉ là vô tình, nhưng tội lỗi đã ẩn nấp trong sự mê tín và sùng bái cá nhân rồi. Bởi vì chương trình của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài là không cần phải liên tục nhờ vả người khác làm những điều mà Chúa muốn thực hiện trực tiếp trong chúng ta. Vì thế, Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải biết về tất cả các ơn phước thuộc linh mà Ngài đã truyền vào trong con cái Ngài. Rồi lấy các ơn phước đó để sử dụng cho vinh quang của Ngài.
Các ơn phước thuộc linh từ Chúa ban không phải chỉ để chúng ta sử dụng cho các mục đích riêng của mình, nhưng còn để mở rộng các mục đích và chương trình của Chúa trên thế gian nầy, ở lúc nào và nơi nào chúng ta có cơ hội. Sự hiểu biết và suy gẫm về những ơn phước thuộc linh với ích lợi huy hoàng của các ơn phước ấy, cũng có thể làm chúng ta loá mắt mà không lưu ý tới mưu chước của kẻ thù trong linh giới. Chúng biết tiềm năng của chúng ta. Chẳng phải chúng mù loà, không biết gì về những kế hoạch của Đức Chúa Trời hoặc các ân tứ Ngài dành cho chúng ta. Chúng biết kết quả chúng ta có thể đạt được; và chúng cũng biết những khả năng tiềm tàng của những ơn phước Chúa ban mà chúng ta vui hưởng và sử dụng, sẽ gây nguy khốn cũng như làm tổn hại cho thế giới tối tăm của chúng là thế nào.
Vì thế, khi satan đến chống nghịch các con cái thật của Chúa, gây khó dễ – trở ngại, chèn ép, áp bức, đè nén chúng ta, thì không phải chúng chỉ chống trả địa vị của chúng ta hay những gì mà chúng ta đang làm; nhưng kẻ thù lo lắng về những điều Đức Chúa Trời đã đặt vào lòng chúng ta. Hắn biết khi những Cơ-đốc-nhân biết rõ, hiểu thấu và vận dụng các ơn phước tâm linh đang ngụ trong lòng họ, thì công việc lừa dối, cướp, giết và huỷ diệt của hắn sẽ bị ngăn chặn, các âm mưu của hắn sẽ bị phá tan. Chính hắn bị các ơn phước của Chúa tiềm tàng trong chúng ta đe doạ; cho nên, hắn luôn luôn nỗ lực dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản không cho chúng ta tiến tới, và sở hữu các ơn phước thuộc về chúng ta trong Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô viết ở 1Cô-rinh-tô 2:9–10:
“Những điều mắt chưa thấy, tai chưa nghe, lòng người chưa nghĩ tới, là điều Đức Chúa Trời dành sẵn cho người yêu mến Ngài. Đức Chúa Trời đã nhờ Đức Thánh Linh tiết lộ những điều đó cho chúng ta. Vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, kể cả sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.”
Sự thịnh vượng bao la, khổng lồ của Hội-thánh là không mường tượng nổi. Hầu hết chúng ta đều chưa hình dung nổi mọi điều Chúa muốn thực hiện trong chúng ta, qua chúng ta và dành cho chúng ta. Tuy vậy, Ngài muốn chúng ta đầu phục Đức Thánh Linh để Thánh Linh có thể chỉ dẫn cho chúng ta sự thịnh vượng ấy. Một khi chúng ta đã thấy nó, thì sẽ theo đuổi và không bao giờ bỏ cuộc, cho tới khi có thể nắm được và sở hữu sự thịnh vượng mà Chúa dành sẵn cho mình. Hễ chúng ta nắm được sự thịnh vượng tâm linh mình, thì việc truyền rao ơn cứu độ, sự chữa lành, và quyền năng giải thoát của Đức Chúa Giêxu cho thế giới đang hư vong sẽ đạt kết quả không ngờ.
CacVanDeQuanTrong11.docx (Tài liệu tham khảo: Life Overflowing, của T.D. Jakes)
Rev. Dr. CTB