Sách Công Vụ, bài 25
Công Vụ 12:1–25
Một đường hướng mới đã mở ra cho Hội-thánh sau việc gia đình Cọt-nây quy đạo, rồi nhiều người Hy-lạp ở An-ti-ốt tin nhận Đức Chúa Giêxu. Mặc dù sự ủng hộ của tín hữu gốc Do-thái ở Giê-ru-sa-lem cho vấn đề nầy còn có phần rụt rè, vì họ vẫn giữ nghiêm các giới luật Môi-se theo truyền thống dân tộc, giới lãnh đạo Do-thái-giáo tại Giê-ru-sa-lem rất lo ngại khi thấy đạo Chúa được truyền rao ra ngoài phạm vi Giê-ru-sa-lem và trở thành một mối đe doạ cho quyền lực của họ, vì có hàng chục ngàn người đã bỏ Do-thái-giáo mà tin theo Đức Chúa Giêxu. Thời gian qua, tình hình Hội-thánh có phần yên ổn, ít xảy ra sự bắt bớ. Trên thực tế thì những vụ bắt bớ không xảy ra liên tục, khi nổi khi chìm.
Mối liên hệ giữa giới lãnh đạo Do-thái-giáo với các quan tổng trấn La-mã, do hoàng đế La-mã cử đến cai trị xứ Giu-đê từ năm 6 tới 41 A.D., thì chẳng khi nào được nồng thắm suôn sẻ cả. Như Phi-lát, viên tổng trấn đã cho phép đóng đinh Đức Chúa Giêxu, cũng chẳng được lòng dân Do-thái. Vì ông ta lấy tiền trong kho đền thờ để xây dựng kênh dẫn nước về Giê-ru-sa-lem. Vào năm 41 A.D., hoàng đế La-mã sát nhập xứ Giu-đê vào lãnh thổ cai trị của vua chư hầu Hê-rốt Agrippa I, tức là vị vua mà đoạn nầy nói đến. Hê-rốt nầy là cháu nội của Hê-rốt đại đế (là người Ê-đôm cải đạo Do-thái) và vợ là Mariamne, một công chúa của hoàng tộc Hasmonean, tức gia đình họ Ma-ca-bê. Hê-rốt Agrippa I là bạn thân của nhiều hoàng đế La-mã. Gaius lập ông ta làm vua một phần của Syri vào năm 37 A.D. Rồi tới năm 39 sát nhập xứ Ga-li-lê và Pê-rê dưới quyền cai trị của vua nầy, sau khi lưu đày người chú là Hê-rốt Antipas, ông vua đã giết Giăng Baptist.
Khi Hê-rốt Agrippa làm vua Giu-đê và Giê-ru-sa-lem, ông ta cố làm đủ điều để lấy lòng dân Do-thái. Khác với các vua Hê-rốt trước, ông ta tận tuỵ giữ các hình thức của Do-thái-giáo. Chắc rằng ông ta có gặp và quen biết các lãnh tụ Do-thái, biết nỗi lo lắng của họ trước việc đạo Chúa lan tràn. Ông ta cũng biết hội đồng Sanhedrin đã ra lệnh cấm các sứ đồ không được phép truyền giảng đạo Chúa, mà các sứ đồ thì cứ làm lơ và mạnh mẽ rao truyền Tin-mừng. Ông ta liền ra tay bắt bớ các sứ đồ để chứng tỏ mình là vua. Vì thế, ông sai người giết sứ đồ Gia-cơ, anh của sứ đồ Giăng (1–2). “Thấy việc đó được lòng người Do-thái, vua lại sai bắt Phi-e-rơ. Việc nầy xảy ra vào kỳ lễ bánh không men” (3), tức là những ngày người Do-thái sửa soạn ăn lễ Vượt-qua.
Hê-rốt cho giam Phi-e-rơ vào ngục “định sau lễ Vượt qua sẽ giải ông ra trước nhân dân” (4). Trong khi đó “Hội-thánh sốt sắng cầu nguyện Đức Chúa Trời” xin Ngài giải cứu ông (5). Nhưng “ngay đêm trước hôm Hê-rốt định đem ông ra trước nhân dân, Phi-e-rơ ngủ giữa hai người lính. Ông bị trói bằng hai dây xích, và trước cửa ngục có binh sĩ canh gác. Thình lình một thiên sứ của Chúa hiện ra, ánh sáng chiếu vào ngục. Thiên sứ vỗ vào hông Phi-e-rơ, đánh thức ông, và giục: ‘Dậy nhanh lên!’ Dây xích rơi khỏi tay ông. Thiên sứ lại nói: ‘Ông thắt lưng và mang dép vào!’ Phi-e-rơ làm theo. Thiên sứ nói tiếp: ‘Ông khoác áo choàng vào và theo tôi!’ Phi-e-rơ theo thiên sứ đi ra, nhưng không biết chuyện thiên sứ làm là thật, cứ ngỡ mình thấy khải tượng. Qua trạm gác thứ nhất và thứ hai, thiên sứ và ông đến cổng sắt dẫn vào thành phố, cổng tự động mở ra. Thiên sứ và ông đi qua, hết một đường phố, thiên sứ liền rời Phi-e-rơ” (6–10).
Khi thần thánh ở cõi siêu nhiên can thiệp vào cõi tự nhiên, thì chẳng có vật chất gì của cõi tự nhiên cản trở được các thiên thần. Đây là một sự giải cứu hết sức ngoạn mục. Thiên sứ có quyền làm cho một người tỉnh, còn những người khác đều bị ngủ mê. Khi ánh sáng của thiên sứ chiếu vào ngục, có lẽ để cho Phi-e-rơ thấy đường. Tuy nhiên, lúc đi theo sau vị thiên sứ, Phi-e-rơ cũng không hoàn toàn tỉnh táo, tưởng rằng mình thấy khải tượng. Chỉ tới khi vị thiên sứ rời ông, thì “Phi-e-rơ chợt tỉnh, nói: ‘Bây giờ tôi biết chắc Chúa đã sai thiên sứ giải thoát tôi khỏi tay Hê-rốt, và khỏi mọi điều người Do-thái mong chờ’” (11). Một số người thời nay bác bỏ chuyện siêu nhiên, thì không biết phải giải thích việc nầy ra sao. Sau khi Phi-e-rơ nhận thức rõ thực tế không phải là ông đang mê thì, “ông đến nhà Ma-ri, mẹ của Giăng, cũng gọi là Mác, là nơi có nhiều người đang nhóm họp cầu nguyện” (12). Không gì sung sướng hơn là được thiên sứ giải cứu cách siêu nhiên khỏi tay của kẻ độc ác. Gian truân nhưng đầy hào hứng.
Sự cầu nguyện của thời bấy giờ thật là sốt sắng. Dù mấy ngày đã trôi qua, số người nhóm lại ngày đêm cầu nguyện cho Phi-e-rơ vẫn còn đông. Nhà của Ma-ri thuộc loại nhà giàu, có cổng thông ra đường, nhưng phòng nhóm rộng thì sâu bên trong. Cô nữ tỳ, tên là Rhoda nghe tiếng gõ ra mở cổng. Việc Phi-e-rơ biết chỗ nầy có nghĩa ấy là một nơi nhóm lại thường xuyên của Hội-thánh. Mác là người mà Phi-e-rơ đã dạy dỗ huấn luyện, vì ông gọi Mác là ‘con’ của ông theo ý nghĩa thời ấy là môn đồ (1Phi-e-rơ 5:13); cho nên, Phi-e-rơ có liên hệ thân mật với nơi nầy.
Cô hầu Rhoda nghe tiếng Phi-e-rơ thì quá mừng quên cả mở cửa, chứng tỏ rằng các nô lệ lúc đó cũng hết lòng tin Chúa và yêu mến các sứ đồ (13–14). Chủ nhà và các môn đồ khác không ngờ việc Phi-e-rơ đang đứng trước cửa là sự thật. Họ nghĩ rằng cô hầu bị điên nên nói sảng, nhưng cô quả quyết đó là sự thật, thì họ lại nghĩ chắc là thiên sứ của Phi-e-rơ (15). Thái độ đó chứng tỏ Hội thánh thời đó chưa từng thấy một sự giải cứu siêu nhiên như vậy. Cho nên, “khi mở cổng ra, thấy ông, họ sửng sốt. Ông lấy tay ra dấu cho họ im lặng, rồi kể lại việc Chúa giải thoát mình khỏi ngục. Ông nói: ‘Báo tin nầy cho Gia-cơ và các anh em.’ Rồi ông đi, đến một nơi khác” (16–17).
Gia-cơ chỗ nầy tức là người em trai kế của Đức Chúa Giêxu, lúc ấy là một rường cột của Hội-thánh. Người ta nghĩ rằng do vai vế của ông đối với Chúa, nhưng ông và người một em khác là Giu-đe tự xưng mình là “đầy tớ” của Đức Chúa Giêxu trong các thư tín của họ. Gia-cơ tiếp tục làm một trưởng lão của Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi ông bị ném đá chết vào năm 61 A.D. Người ta kể lại rằng sau khi Chúa sống lại và hiện ra cho Gia-cơ (1Cô-rinh-tô 15:7), ông hoàn toàn được thuyết phục, nên tận tuỵ cầu nguyện và phục vụ; đến nỗi miếng đá nơi ông quỳ thường xuyên bị lõm xuống. Người ta cho rằng việc đó và ân tứ Thánh Linh khiến ông được tôn trọng.
Quân lính chẳng những xôn xao mà còn kinh hoảng (18). Có lẽ Hê-rốt thấy ở lại xứ Giu-đê không an tâm, vì nghe kể người tù được giải thoát cách kỳ bí ấy có nhiều quyền phép siêu nhiên; cho nên, ông ta xuống ở thành Sê-sa-rê (19), nơi có một trung đoàn quân La-mã trú đóng. Nhưng con người nầy không biết rằng mình đã chơi với lửa. Có lẽ cuộc sống xa hoa quyền thế làm cho ông ta chóng quên. Việc Hê-rốt căm giận dân chúng hai thành phố Ty-rơ và Si-đôn có lẽ đã xảy ra lâu trước đây. Ông ta rất muốn gây chiến với hai thành nầy, nhưng đế quốc La-mã không cho phép hai lãnh thổ thuộc địa đánh nhau. Ty-rơ và Si-đôn nằm trên một dải đất hẹp sát mé biển, bị dãy núi ở phía đông chận lại; vì thế họ chẳng có đất để canh tác, chỉ làm giàu bằng nghề buôn bán và hàng hải. Lương thực cung cấp cho họ là từ xứ nằm duới quyền cai trị của Hê-rốt.
Vì thế họ phải cầu hoà với Hê-rốt qua Blastus, quân sư của vua (20). Trong buổi lễ chấp nhận quy hàng, “Hê-rốt mặc cẩm bào, ngồi trên ngai hiểu dụ nhân dân” (21). Ông ta sung sướng khi nghe những lời reo hò, tâng bốc của dân chúng cho rằng tiếng nói của vua là: “Tiếng nói của thần linh không phải tiếng người! Lập tức một thiên sứ của Chúa đánh vua vì không nhường vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Vua bị trùng đục mà chết” (22–23). Sử sách kể lại là Hê-rốt chết sau năm ngày bị đau bụng dữ dội. Việc nầy xảy ra vào năm 44 A.D.
Kẻ thù nguy hiểm của Hội-thánh bị tiêu diệt, nên “đạo Chúa tiếp tục phát triển, số tín hữu cứ gia tăng.” Còn “Ba-na-ba và Sau-lơ từ Giê-ru-sa-lem trở về, đem theo Giăng, cũng gọi là Mác,” sau khi hoàn thành công tác đem quà cứu trợ từ An-ti-ốt về cho các trưởng lão và tín hữu tại xứ Giu-đê (24–25). Từ thời gian nầy trở đi, đạo của Chúa bắt đầu lan rộng theo bước chân của các vị truyền giáo tiền phong, là Ba-na-ba và Sau-lơ, sau nầy đổi tên thành Phao-lô, nghĩa là nhỏ.
SachCongVu25.docx
Rev. Dr. CTB