Sự Sống Từ Chúa Phục Sinh

Chúa Nhật, April 20th, 2014

Các Vấn Đề Quan Trọng, 28


Mác 16:9–14

Hôm nay là ngày kỷ niệm Đức Chúa Giêxu sống lại khải hoàn từ cõi chết. Người thời nay đã đặt câu hỏi, không biết Ngài có thật sống lại từ một người đã thật chết, hay chỉ là hồi tỉnh sau mấy ngày bị ngất vì bị đóng đinh trên thập tự giá.

Những câu hỏi đại loại như thế chỉ có trong thời bây giờ, vì giới người thù ghét đạo Chúa cố tình không nhắc tới những chi tiết xác nhận Ngài thật đã chết:

Một tên lính lấy giáo đâm vào sườn Ngài, lập tức máu và nước chảy ra. Người đã chứng kiến làm chứng về việc nầy – lời chứng của người là xác thực, và người ấy vẫn biết mình nói sự thật” (Giăng 19:34–35). “Ni-cô-đem … cũng đến, đem theo một trăm cân mộc dược trộn với lô hội” (39).

Ngược lại, cũng những người ấy tin rằng họ có thể nhờ tu tập mà trở thành thần; mặc dù nơi họ muốn đến chẳng biết có hay không, rồi cũng không biết nó ở đâu và làm cách nào để tới!

Trái với tâm tánh chủ quan từ lòng kiêu căng của những bộ óc tự xưng là khôn ngoan, chúng ta, những người rất bình thường và khiêm nhu khi đứng trước Đấng Toàn Năng, thật là hãnh diện được Ngài chọn lựa để ban cho sự sống vĩnh cửu và được Ngài dạy cho biết cách duy trì sự sống ấy trong lúc đang sống ở trần gian nầy.

Bất cứ ai muốn nhận được sự sống đó và áp dụng cho đời mình, thì phải chịu học và tuân theo mọi sự chỉ dẫn mà Chúa đã cung cấp qua Kinh-thánh.

Tất cả các chi tiết của những biến cố và sự việc đã diễn ra trong cuộc đời của Đức Chúa Giêxu khi Ngài còn ở thế gian, đều là biểu tượng của những ý nghĩa sâu sắc và mầu nhiệm từ thiên đàng bày tỏ.

Mọi người đều biết ý nghĩa hình ảnh cây thập tự là biểu tượng về tình yêu vô bờ bến từ Đức Chúa Trời đối với loài người. Vì Đức Chúa Giêxu, Đấng vô tội, đã gánh hết tội lỗi của nhân loại trên thân thể Ngài, nhận lãnh hình phạt vô cùng nhục nhã của án chết dành cho tội lỗi để đền tội cho loài người; hầu cho bất cứ người nào muốn tiếp nhận món quà sự sống vĩnh cửu từ Ngài đều có thể nhận được cách dễ dàng, không cần phải khổ công hay vất vả tìm kiếm trong sự vô vọng.

Vì vậy, ý nghĩa nhiệm mầu của hình ảnh thập tự giá là cái cổng mà qua đó người ta có thể bước vào sự sống của Ngài.

Sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu có nghĩa là Ngài có quyền phép truyền sự sống của Ngài cho chúng ta, những người đã tiếp nhận Ngài và được Đức Thánh Linh sinh lại trong ta một tâm linh mới; tức là nhận lấy chính sự sống của Chúa Phục Sinh ban cho.

Để có thể thực sự kỷ niệm và mừng lễ Phục-sinh, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa sự phục sinh của Đức Chúa Giêxu đối với chúng ta là: Khi chúng ta được đem vào sự sống lại của Ngài không phải để ta tiếp tục cách sống cũ của mình, mà sống đời sống mới.

Mặc dù hiện nay chúng ta vẫn đang phải sống trong thân thể có nhiều nhược điểm của thể chất phàm tục, nhưng biết chắc mình sẽ được biến hoá thành thân thể vinh diệu giống như thân thể phục sinh của Đức Chúa Giêxu vậy.

Tuy nhiên, những người đã tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa, dù vẫn còn sống trong thân thể trần tục, họ vẫn có thể vận dụng quyền phép và tính hữu hiệu trong sự sống phục sinh của Ngài để có thể bước đi trong cuộc đời mới. “Vậy, đã báp têm trong cái chết của Ngài, chúng ta được chôn với Ngài, và như thế, Đấng Christ nhờ quyền năng vinh quang của Đức Chúa Cha, sống lại từ trong cõi chết thế nào, chúng ta cũng sống trong cuộc đời mới thế ấy” (Rô-ma 6:4).

Đức Chúa Giêxu cầu nguyện với Đức Chúa Cha rằng: “Cha đã trao cho Con uy quyền trên cả nhân loại, để Con ban sự sống vĩnh cửu cho tất cả những người Cha đã giao cho Con” (Giăng 17:2).

Nếu chúng ta chưa trải qua kinh nghiệm cách thức sự sống vĩnh cửu ngự vào và hành động trong lòng mình ra sao, thì chẳng bao giờ có thể hiểu biết tâm tình của sứ đồ Phao-lô qua câu ông tâm sự “hầu cho tôi được biết Ngài, và biết quyền năng phục sinh của Ngài, được dự phần trong nỗi thương khó của Ngài, trở nên giống Chúa trong sự chết Ngài” (Phi-líp 3:10).

Nhiều người nghĩ rất sai rằng họ có thể đạt được sự thành công về đời sống đạo đức qua sự ép xác, khổ tu; vì đã bị dạy dỗ bởi những người chưa từng có kinh nghiệm về sự sống thiên đàng là thế nào.

Không một ai trong nhân loại có thể nhờ sức người phàm mà đạt đến sự sống của cõi thiên đàng. Chỉ khi nào chúng ta được Đấng có quyền ban sự sống thiên đàng đến sống trong tâm linh ta và điều động dạy dỗ theo cách thức của Ngài, thì chúng ta mới có thể đạt đến sự sống ấy.

Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã được sai đến trần gian sau khi Đức Chúa Giêxu đã thăng thiên. Chữ ‘Thánh Linh’ là cách nói khác của kinh nghiệm về sự sống vĩnh cửu hành động trong lòng người vào thời hiện tại.

Bởi vì Đức Thánh Linh là thần tánh của Đức Chúa Trời, Đấng dùng quyền năng thiên đàng áp dụng quyền phép sự chuộc tội bởi thập tự giá của Đấng Christ vào đời sống chúng ta.

Không có sự giúp đỡ của quyền phép Đức Thánh Linh, không ai có thể đạt tới sự sống mới của thiên đàng. Chỉ Đức Thánh Linh mới có thể truyền bản thể sự sống thánh khiết của Đức Chúa Giêxu vào lòng người tin.

Bởi vì công tác của Đức Thánh Linh là làm cho bản thể của Đấng Christ thành hình trong lòng người nào tin Đức Chúa Giêxu, chịu cộng tác với Ngài bằng sự vâng theo những điều Ngài chỉ dẫn và dạy dỗ.

Chỉ có một số ít người được Đức Chúa Giêxu hiện ra trò chuyện, cùng ăn uống, sau khi Ngài sống lại.

Ai đã thật sự gặp Chúa phục sinh rồi thì đời sống họ không còn những dấu vết của tánh tình như trước. Nghĩa là đối với họ, những điều hấp dẫn họ trước đây, nay không còn sức hấp dẫn gì nữa.

Được Chúa cứu chuộc với việc gặp Ngài là hoàn toàn khác nhau. Nhiều người đã nhận được ơn cứu độ mà chưa từng gặp gỡ Đức Chúa Giêxu. Sự gặp gỡ Chúa vào thời bây giờ có thể hiểu theo nghĩa đen là được Chúa hiện ra cho gặp mặt và nghe lời Ngài trò chuyện, nhưng hầu hết có nghĩa bóng là gặp Ngài trong tâm linh.

Nghĩa là tín hữu xem Ngài là Đấng Cứu Tinh và Chủ của đời họ bằng sự yêu kính vô cùng, bởi vì Đức Thánh Linh đã làm cho Đấng Christ thành hình trong họ.

Điều đó khác hẳn với thái độ của người thờ kính Chúa vì Ngài đã ban phước lớn chi đó cho đời họ. Nếu chúng ta thuộc nhóm tín hữu mang loại tâm tình nầy, thì chúng ta chẳng biết Chúa được bao nhiêu; sự sống của Chúa phục sinh chưa có cơ hội vào đời sống của những người như vậy.

Luôn luôn có sự bất đồng quan điểm giữa người đã từng gặp Chúa với những người chưa có cơ hội gặp Ngài. Cùng giáo hội, cùng hệ phái, hoặc cùng dự chung một nhà thờ, không có nghĩa là có kinh nghiệm về Chúa giống nhau.

Những người đã từng gặp Chúa sẽ hăng hái kể lại sự gặp Chúa của mình, còn những người kia thì không tin lời người nầy nói.

Mari đi báo tin cho những người đã theo Ngài, nay đang than khóc. Nghe nói Ngài sống và Mari đã thấy Ngài, họ không tin. Sau đó, Ngài lấy hình dạng khác hiện ra cho hai môn đồ đang đi đường về quê. Hai người ấy đi nói cho các môn đồ khác biết, nhưng họ cũng không tin” (Mác 16:10–13).

Những người không tin đều là môn đồ của Đức Chúa Giêxu. Họ được các môn đồ khác kể lại việc gặp Đức Chúa Giêxu phục sinh, thì họ đều không tin.

Ngày nay cũng vậy, những anh chị em chưa từng kinh nghiệm về bản thể sự sống phục sinh của Đấng Christ do Đức Thánh Linh làm thành hình trong lòng người hết lòng tin Ngài, thì lúc nào cũng lý luận đối nghịch với những anh chị em đã có kinh nghiệm. Họ không thể tin những việc siêu nhiên đến từ thiên đàng.

Sự chia rẽ xảy ra giữa người đã gặp Chúa với người chưa gặp. Chúng ta cần hiểu bổn phận của người đã gặp Chúa là phải nói lại việc gặp gỡ đó, dù người ta không tin.

Chúng ta không thể nhờ khả năng của mình mà đem người khác tới chỗ gặp Chúa. Đức Chúa Trời phải làm điều ấy. Người khác không thể thấy Đức Chúa Giêxu qua mắt của chúng ta.

Cũng không ai trong chúng ta có thể bắt Chúa phải hiện ra cho người nào đó thấy Ngài. Tất cả đều thuộc quyền tể tri tuyệt đối của Ngài.

Khi còn trên đất, Đức Chúa Giêxu bày tỏ cho người được Ngài thực hiện điều chi đó, thấy Ngài.

Ngày nay, tuy ít khi Đức Chúa Giêxu hiện ra cho chúng ta gặp, những hễ khi nào Ngài bày tỏ cho ta gặp Ngài qua sự sống phục sinh của Ngài, thì có nghĩa là Ngài muốn ban điều gì đó cho ta.

Hãy trông chờ sự hiện ra của Chúa phục sinh vào thời điểm chúng ta không ngờ.

VanDeQuanTrong28.docx

Rev. Dr. CTB