Các Vấn Đề Quan Trọng, 31
Phi-líp 2:12–15
Những ai thật lòng tin Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá mình đều hiểu phán quyết của Ngài về con người tội lỗi trong họ phải nhận lãnh hình phạt chết vĩnh viễn là công chính. Do đó, họ rất hoan hỉ đón nhận ơn cứu rỗi do Ngài thực hiện qua Đức Chúa Giêxu, Đấng đã sẵn lòng chết thay cho họ, khi Ngài chịu bị hình phạt đóng đinh trên thập tự giá.
Họ cũng tin rằng sau khi Đức Chúa Giêxu phục sinh khải hoàn, thì tâm linh của tín hữu đều được tái sanh bởi Đức Thánh Linh để đủ điều kiện nhận lãnh mọi ơn phước dành cho công dân thiên đàng.
Nhưng khi phải bước trên tiến trình thánh hoá phần hồn cho giống với sự đổi mới của tâm linh, thì mọi người đều phải đối diện với sự ù lỳ trong tâm tánh xác thịt không muốn thay đổi của mình.
Sự cộng tác của chúng ta với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh nhằm đổi mới tâm tính xác thịt con người cũ trong ta để nhận lãnh bản chất thánh thiện từ thiên đàng được gọi là sự thánh hoá. Con dân Chúa phải hiểu biết kỹ càng về việc nầy, là vấn đề tuy vẫn thường được nhắc tới, nhưng ít được chỉ dẫn tận tường về cách thực hành.
Một số tín hữu vẫn nghĩ rằng đời sống thánh hoá sẽ tự nhiên đến theo thời gian, nhưng vô số người thấy rằng đó là lãnh vực khó khăn nhất trong nếp sống đạo; cũng là phương diện mà ít có các bài giảng chỉ dẫn cụ thể để con cái Chúa thực hiện và luyện tập. Trong khi đó, nhiều người cảm thấy không làm nổi những điều họ biết họ phải làm.
Chúng ta có hoàn tất được ơn cứu rỗi của mình hay không tuỳ thuộc vào việc mình có quyết định thực hiện hay không. Nhưng một người có lập được quyết định hay không, lại tuỳ thuộc vào việc người đó có muốn lập hay không muốn. Chính ý chí bên trong chúng ta là lãnh vực khó chế ngự nhất.
Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời vào lòng ta và tiếp xúc với lương tâm trong ta, thì lương tâm bèn đánh thức ý chí, tức là sự muốn thực hiện. Lúc đó ý chí đồng ý với Đức Chúa Trời là con người cũ trong ta phải thành người mới. Vì vậy “Đức Chúa Trời ….. hành động trong anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13). Việc đó diễn tiến như sau:
Đức Thánh Linh soi xét trong lòng con cái Ngài để chỉ cho họ thấy các thứ tội họ còn giấu giếm trong những góc sâu thẳm của đáy lòng, là những thứ tính tình, ao ước, toan tính, các nỗi đam mê, hay những sự tôn thờ không được Đấng Thánh chấp nhận.
Cách hành động của Ngài là lôi ra ánh sáng những thứ xấu xa trong lòng ta, mà ta có biết hoặc không biết là xấu; phần chúng ta là phải biết nhìn nhận những gì Ngài đã chỉ ra đúng với bản chất của nó, rồi cộng tác với Ngài loại trừ những thứ ấy ra khỏi lòng mình theo ý muốn Ngài. Đó là cách chúng ta “vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.”
Vậy thì, hoàn tất ơn cứu rỗi là vận dụng quyết tâm muốn thực hiện sự chỉ dẫn tường tận của Đức Thánh Linh về việc sửa đổi tâm tánh, để biểu lộ các bằng chứng của một đời sống hoàn toàn tin cậy vào sự cứu chuộc toàn hảo đã hoàn tất của Đức Chúa Giêxu, bằng một đức tin xác quyết và không bao giờ lung lay hay nao núng.
Nỗ lực hoàn tất ơn cứu rỗi cũng có nghĩa là không bao giờ toan tính chống lại ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời. Kết quả sẽ là ý muốn của chúng ta lúc nào cũng phù hợp với ý muốn của Chúa. Nói cách khác, ý muốn của Chúa trở thành ý muốn tự nhiên của chúng ta. Những sự lựa chọn tự nhiên của chúng ta luôn luôn phù hợp với ý muốn của Chúa; rồi cách sống như vậy sẽ diễn ra như nhu cầu hít thở, không cần phải cố gắng nữa.
Trước khi chịu bị bắt và chịu nhục hình, Đức Chúa Giêxu đã phán bảo về mục đích sự giáng lâm của Đức Thánh Linh:
“Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào mọi chân lý; vì Ngài không tự mình nói, nhưng sẽ nói những gì mình nghe, và công bố cho các con những gì sẽ đến. Ngài sẽ tôn vinh Ta, vì Ngài sẽ lấy những gì thuộc về Ta mà công bố cho các con” (Giăng 16:13–14).
Vì thế trong tiến trình thánh hoá chúng ta, Đức Thánh Linh sẽ dần dần uốn nắn nếp suy nghĩ của chúng ta vào một điểm trung tâm – đó là ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu. Nghĩa là chúng ta sẽ tập trung sự chú ý của mình vào Ngài. Đức Chúa Giêxu càng ngày càng trở nên địa vị chủ yếu trong tất cả những điều chúng ta quan tâm hoặc ưa thích. Công ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu luôn luôn là trung tâm điểm của đời sống, là ảnh hưởng mạnh nhất tác động trên tất cả các quyết định ta phải lập, để mọi phương diện của đời sống chúng ta đều đem kết quả cho Ngài.
Trong cuộc đời bước đi theo Chúa của chúng ta, nhu cầu có sự hiện diện, điều khiển, chỉ dẫn và dạy dỗ của Đức Thánh Linh là không thể thiếu. Vì vậy, Ngài đã được sai đến ở với Hội-thánh và mọi con cái Ngài cho đến lúc kết thúc thời tận thế.
Như chúng ta đã biết, sự thánh hoá là rất khó khăn nếu không có sự trợ giúp và chỉ dẫn của Đức Thánh Linh.
Trong thời sơ lập của Hội-thánh, sự báp têm bằng Đức Thánh Linh đã diễn ra cách phổ quát và dễ dàng trên mọi người tin đạo; chứng tỏ rằng phép báp têm bằng Đức Thánh Linh không đòi hỏi người tin phải làm điều gì khác hơn là lòng thành thật tin Đức Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời, Đấng đã chết thay cho họ, và bằng lòng chịu phép báp têm bằng nước trong danh Đức Chúa Giêxu.
Ngày nay, các điều kiện đòi hỏi của Đức Chúa Trời đối với người muốn nhận được phép báp têm bằng Đức Thánh Linh vẫn giống y như xưa. Nhưng số tín hữu nhận được phép báp têm ấy bị giảm thiểu rất nhiều, không còn phổ quát như thời xưa nữa. Vì đâu có tình trạng đó?
Chưa ai biết cách đích xác tình trạng tâm linh của Hội-thánh sa sút từ bao giờ; nhưng khi nghiên cứu trang sử cận đại của giáo hội chung, thì người ta thấy sa-tan đã lừa gạt được một số người tự xưng là thần học gia đưa ra lý thuyết “thời đại quyền năng đã ngừng.”
Và nhiều tổ chức giáo hội và hệ phái của Hội-thánh Đức Chúa Trời đã tiếp nhận lý thuyết tai hại đó rồi trang bị cho tín hữu trong giáo phái của họ. Từ đó người ta quên lãng, thậm chí ác cảm với phép báp têm bằng Đức Thánh Linh.
Chúng ta không muốn sa vào con đường sai lầm, nhưng quyết tâm trung thành với những lời dạy dỗ trung thực của Kinh-thánh. Con dân chân thật của Chúa không khi nào tìm cách diễn giải lời Kinh-thánh sao cho phù hợp với lý thuyết hay tôn chỉ của giáo phái mình, mà tìm biết ý nghĩa chính xác của những lời đã chép.
Bởi vì Hội-thánh cần phải phục hồi tính cách phổ quát của phép báp têm bằng Đức Thánh Linh cho tất cả tín hữu trong thời đại Hội-thánh đã nhận được nhiều sự hiểu biết hơn thời Hội-thánh sơ-lập, là thời Kinh-thánh Tân-ước chưa được hoàn tất.
Vấn đề nầy không phải là quan điểm thần học của loài người đặt ra để tranh cãi với nhau, mà là nhu cầu bức thiết có tính cách sinh tử đối với vận mệnh của mọi con cái Chúa. Bởi vì tất cả Cơ đốc-nhân đều cần phải nhận được quyền năng của Đức Thánh Linh để có thể bước đi vững vàng trên tiến trình thánh hoá, làm chứng nhân có hiệu quả, có đời sống cầu nguyện cầu thay lay động cõi trời, có uy quyền tuyệt đối trên thế giới tối tăm, và đem vinh quang về cho Chúa ở mọi nơi họ sống.
Tất cả các tính cách tuyệt diệu đó chỉ có được qua đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh, là sự sống Ngài mang đến cho những ai được Ngài giáng xuống và ngự vào làm Chủ.
Vì vậy, sự duy trì một niềm tin chân thật và đơn sơ vào ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, rồi sợ sệt run rẩy hoàn tất sự cứu chuộc mình bằng một đời sống đạo có tánh tình thành thật, siêng năng nghiên cứu Kinh-thánh để hiểu biết những điều Chúa mong con dân Ngài phải thể hiện, là những việc mà chúng ta phải làm để chuẩn bị lòng mình thành nơi Đức Thánh Linh vui lòng ngự vào cư trú và ban phước cho những tấm lòng như thế.
Con cái Chúa có nhận được sự đổ đầy Đức Thánh Linh hay không là tuỳ thuộc vào quyết định của lòng họ chịu hàng phục trước uy quyền nào. Bởi vì uy lực uốn nắn cuộc đời chúng ta nhiều nhất là quyền lực mà mình cho phép hành quyền trên mình mạnh nhất.
Nếu ai nhường cho Chúa làm Chủ và sống cuộc đời xoay quanh ơn cứu độ của Ngài, thì Đức Thánh Linh sẽ giáng trên, ngự vào và hướng dẫn người đó.
Ngược lại, người nào lấy bản ngã (cái tôi) làm chủ mình, thì đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh chỉ là một mơ ước viển vông, xa vời vợi, và tiến trình thánh hoá đời sống chẳng bao giờ thành công.
VanDeQuanTrong31.docx
Rev. Dr. CTB