Ngày Thứ Ba

Chúa Nhật, July 20th, 2014

Sáng Thế Ký, 04


Sáng Thế Ký 1:9–13

Sau hai giai đoạn đầu của công trình sáng tạo thế gian, những mô tả trong các câu vừa đọc là nói về giai đoạn kế, theo thứ tự tạo dựng thích hợp với các định luật vật lý, mà Đức Chúa Trời đã thiết lập cho cõi thể chất.

Khoảng không bây giờ đã có sẵn, nhưng môi trường sinh sống trên cạn của vô số loài động vật hít thở khí trời cũng phải được chuẩn bị cho chúng. Vì thế:

Đức Chúa Trời phán:‘Nước dưới bầu trời phải tụ lại một nơi và phải có chỗ khô cạn xuất hiện,’ thì có như vậy. Đức Chúa Trời gọi chỗ khô cạn là ‘đất,’ còn khối nước tụ lại là ‘biển.’ Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp.

Đức Chúa Trời phán: ‘Đất phải sinh thảo mộc, cỏ kết hạt giống, cây trên đất tuỳ theo loại mà ra trái và kết hạt,’ thì có như vậy.

Đất sinh cây cỏ, cỏ kết hạt tuỳ theo loại, cây ra trái và trong trái có hạt, tuỳ theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp. Vậy có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ ba.” (1:9–13).

Để có thể hiểu rõ về chữ “ngày” (Yom) theo ý nghĩa thật của nó, chúng ta xét chữ “vayhiy” (đọc là va-di-hi) trong tiếng Hê-bơ-rơ của các câu 1:5, 8, 13; nhờ đó chúng ta sẽ có thể hiểu được rằng đã có khoảng cách thời gian dài giữa “ngày” nầy qua “ngày” kia.

Các bản dịch Việt ngữ đã bỏ mất điều quan trọng nầy. Ví dụ, khi Việt ngữ dịch “vậy, có buổi tối và buổi sáng,” thì tiếng Anh dịch rõ: “And there was an evening and there was a morning.” Và Anh ngữ dịch ‘Vayhiy’ là “and there was.

Như thế, đáng lẽ ra chúng ta phải có thể đọc là: “Vậy, đã có một buổi tối và đã có một buổi sáng;” hoặc ‘một buổi tối đã đến và một buổi sáng đã đến.

Nói vắn tắt, sự mô tả ở đây không phải là thời gian của một buổi tối hay buổi sáng của một ngày bình thường có 24 giờ, mà là thời gian dài kết thúc của một thời kỳ và thời gian dài khởi đầu một thời kỳ mới.

Người có quan điểm về những khoảng thời gian lâu dài, có thể kéo dài tới vài tỉ năm, giữa các thời đại mà Kinh-thánh mô tả ở 1:1; 1:2, rồi 1:5; 1:8; và 1:13, đã dùng các ý nghĩa rất sâu sắc của tiếng Hê-bơ-rơ để chứng minh cho luận điểm của họ, được hậu thuẫn thêm bởi những khám phá khoa học địa chất sau nầy.

Theo cách suy luận của phái trái đất trẻ khi đọc thấy: “Vậy, đã có một buổi tối và đã có một buổi sáng,” có lẽ nghĩ rằng Đức Chúa Trời tạm dừng công việc để nghỉ đêm chờ buổi sáng làm việc tiếp. Họ tưởng ngày và đêm đó là 24 giờ như ngày hiện nay. Nhưng, Đức Chúa Trời chỉ nghỉ công tác sáng tạo của Ngài khi “ngày” thứ bảy đến (Sáng-thế 2:2).

Phái trái đất già tin rằng khi “Đức Chúa Trời phán: ‘Nước dưới bầu trời phải tụ lại một nơi và phải có chỗ khô cạn xuất hiện,’ thì có như vậy” (9); có nghĩa là lớp vỏ của bề mặt trái đất vâng lời Chúa để bắt đầu tiến trình chuyển động; những sự chuyển động địa chấn rất là dữ dội làm cho núi trồi lên, trũng sụp xuống, đủ để tạo thành biển và đại lục.

Trái đất phải có những trận động đất kinh hồn tạo nên những hố thẳm đủ để chứa nước từ chỗ cao chảy xuống tụ lại thành biển, và các trận địa chấn đó làm cho núi non trồi lên, đẩy đất liền lên cao hơn mặt biển.

Tất cả các hiện tượng vật lý ấy cần phải hoàn thành theo các định luật vật lý về trọng lực đã được Đức Chúa Trời sắp đặt cho cõi thể chất, khi Ngài tạo nên vũ trụ; cho nên, cần phải có đủ thời gian để đất nén lại và ổn định.

Đức Chúa Trời gọi chỗ khô cạn là ‘đất,’ còn khối nước tụ lại là ‘biển.’ Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp” (10).

Bây giờ chúng ta biết rằng biển được Chúa dùng để điều hoà khí hậu, và sau nầy sẽ là nguồn nước mưa giải quyết việc cần nước của cây cỏ sau cơn đại hồng thuỷ.

Nhưng cũng cần lưu ý lời tác giả chép nước phải tụ lại MỘT nơi. Như thế, biển thời đó chưa phải là các đại dương bị phân cách bởi các đại lục; và cũng chưa có sự sống của các loài thuỷ sinh vật.

Có lẽ sẽ có người thắc mắc rằng biển lúc ấy là nước mặn hay nước ngọt? Thật ra, chưa ai trả lời chính xác điểm nầy; tuy vậy, vì các đại dương ngày nay đều là nước mặn, thì có lẽ biển vào thời đó cũng là nước mặn vậy. Cũng hãy lưu ý rằng: “Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp.

Khi xem xét về những việc kỳ diệu nầy, chúng ta cần phải hiểu quan niệm của người cổ xưa về vấn đề sáng tạo. Họ không quan tâm lắm về sự hiện hữu của thực thể vật chất, nhưng cố gắng giải thích sự hiện hữu của sự vật hay sự việc qua chức năng của nó.

Ví dụ theo khoa học bây giờ khi nói về vật gì hiện hữu thì đó là những gì cụ thể thấy được. Nhưng ý thức về sự hiện hữu đối với người Do-thái ngày xưa về thứ gì đó thì liên quan tới chức năng của sự vật đó mà thôi.

Ví dụ như ‘ngày’ là khoảng thời gian có ánh sáng; ‘đêm’ là khoảng thời gian không có ánh sáng. Hoặc chỗ khô cạn là ‘đất,’ khối nước tụ lại là ‘biển;’ thì ánh sáng, bóng tối, đất, và nước đã có sẵn.

Tác giả Sáng-thế-ký không mô tả cách Đức Chúa Trời làm ra ánh sáng, bóng tối, đất, và nước ra sao cả. Nắm vững sự hiểu biết nầy, chúng ta dễ suy gẫm về những ‘Yom’ sáng tạo kế tiếp.

Xem xét các câu từ 9 tới 10, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không sáng tạo thêm điều gì theo ý nghĩ của người đọc. Nghĩa là Ngài không tạo thêm vật chất mới, nhưng làm cho những gì đang có sẵn bắt đầu chức năng của chúng.

Vì ở ‘ngày’ thứ nhì, Chúa phán để nước phải tạo ra khoảng không; bây giờ ở ‘ngày’ thứ ba, Ngài phán bảo quả đất để phân cách đất khô cạn với nước tụ lại thành biển, cũng là làm cho những thứ có sẵn do Ngài tạo thành từ thuở ‘ban đầu,’ thực hiện các chức năng của chúng.

Cũng trong ‘ngày’ thứ ba nầy, Đức Chúa Trời phán cho đất phải sinh cây cỏ, tức là đất phải thực hiện chức năng nuôi sống loài thảo mộc, theo như Chúa đã định cho nó.

Sau khi đất đã ổn định để các loài thực vật thảo mộc có thể sống, thì “Đức Chúa Trời phán: ‘Đất phải sinh thảo mộc: cỏ kết hạt giống, cây trên đất tuỳ theo loại mà ra trái và kết hạt,’ thì có như vậy. Đất sinh cây cỏ: cỏ kết hạt tuỳ theo loại, cây ra trái và trong trái có hạt, tuỳ theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ ba” (11–13).

Những người vô thần lấy thuyết tiến hoá làm gốc, có thể cho rằng thảo mộc được sinh ra do sự tiến hoá. Nhưng các chữ “tùy theo loại” là chi tiết quan trọng để chứng minh chúng được sáng tạo bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, chứ chẳng phải tự nhiên sinh ra.

Đặc biệt là khi chúng ta tiếp tục suy xét theo quan điểm mọi vật thực hiện chức năng của chúng, thì chúng làm theo những gì chúng đã được định. Chúng ta đừng bao giờ quên mất sự kỳ diệu của hiểu biết nầy: Chức năng là quan trọng hơn rất nhiều so với chất liệu của vật thể.

Vạn-vật-học từ rất lâu đã khám phá ra rằng, thảo mộc khác loại, nghĩa là khác họ, thì không thể lai giống với nhau được.

Từng loại thảo mộc cũng thực hiện chức năng của chúng là “cỏ kết hạt tuỳ theo loại, cây ra trái và trong trái có hạt, tuỳ theo loại.

Chúng giữ vai trò làm thực phẩm cho các loài sinh vật sẽ được tạo thành về sau. Chúng cũng cần thời gian để làm tròn chức năng mà chúng đã được Chúa định.

Cho nên ‘Yom’ thứ ba cũng phải là một thời gian rất lâu dài để các loại cây lớn tăng trưởng thành những rừng cây khổng lồ; như nhiều mỏ than đá đã khám phá ra nhiều loại cây có vài chục ngàn năm tuổi. Những cây ấy bị chôn vùi bởi những trận địa chấn kinh hồn, và cũng cần phải trải qua nhiều chục ngàn năm, hay hàng triệu năm để bị nung và ép thành than đá và kim cương.

Ngày” thứ ba sau khi nước đã tụ lại và đất khô cạn đã lộ ra, nhiều chu kỳ cây cối lớn lên, ra trái có hạt, hạt rụng xuống mọc lên cây mới; và cứ tiếp tục như vậy để về sau làm lương thực cho loài người và loài thú sinh sống.

Quan sát công cuộc sáng tạo nầy, chúng ta thấy trong ‘ngày’ thứ nhất, Đức Chúa Trời tạo nên nền tảng căn bản của thời gian. Ở ‘ngày’ thứ nhì, Ngài tạo nền tảng  căn bản cho khí hậu thời tiết; và ‘ngày’ thứ ba, Ngài tạo nền tảng căn bản về lương thực. Ba chức năng vĩ đại nầy – thời gian, thời tiết và thực phẩm, là nền tảng cho sự sống.

Để thấy được công tác vĩ đại của Đấng Tạo Hoá, chúng ta không thể tìm ra trong các thứ vật chất mà Ngài đã tạo ra, nhưng chỉ có thể nhận ra công trình vĩ đại của Ngài qua cách hoạt động, vận hành của những tạo vật mà Ngài đã sắp xếp cho chúng.

Ví dụ như chúng ta có thể khen một đôi mắt đẹp, nhưng các cấu tạo vô cùng tinh vi của con mắt mới làm cho người có hiểu biết phải sững sờ. Cũng vậy, hoạt động của cõi thiên nhiên luôn luôn kỳ diệu và ngoạn mục.

TriThucCanBan04.docx

Rev. Dr. CTB