Sự Cám Dỗ và Sự Sa Ngã

Chúa Nhật, August 17th, 2014

Sáng Thế Ký, 08

Sáng Thế Ký 3:1–13

Câu chuyện về việc loài người bị cám dỗ và sa ngã là một chương đau buồn của lịch sử thời sáng thế. Sự xuất hiện của con rắn giữa khung cảnh vườn địa đàng đem theo bản chất quỷ quyệt của nó, là hành động khởi đầu kế hoạch phá bĩnh của satan đối với chương trình rất thiện hảo của Đức Chúa Trời dành cho thế gian mà Ngài đã tạo dựng.

Sở dĩ người đọc Kinh-thánh biết con rắn tượng trưng cho quỷ satan là nhờ lời thiên đàng vạch mặt hắn trong Khải-huyền 12:9; 20:2.

Satan là ai và từ đâu ra? Kinh-thánh cho biết hắn vốn là một “chêrúp được xức dầu đang che phủ,” là “kiểu mẫu về sự khôn ngoan và vẻ đẹp toàn hảo,” có “đường lối trọn vẹn từ ngày được dựng nên, cho đến khi thấy sự gian ác trong hắn (Êxêchi-ên 28:12b–15).

Ấy là sự tự phụ trong lòng vị chêrúp nầy, định tự tôn mình lên ngang hàng với Đức Chúa Trời (Êsai 14:12-15). Vì bị đuổi khỏi thiên đàng, nên vị ấy sinh lòng thù nghịch và phá hoại chương trình yêu thương của Chúa.

Satan là thần linh cầm đầu của thế lực tối tăm trong linh giới. Tuy hắn có quyền lực rất đáng nể và có thể sử dụng thể xác của con rắn, nhưng hắn không được quyền hãm hại hay huỷ diệt con người do Đức Chúa Trời dựng nên.

Hắn chỉ có thể dụ dỗ ý chí tự do, tức là quyền tự do lựa chọn của con người, để loài người bị sa ngã và phạm tội bất tuân mệnh lệnh của Đấng Tạo Hoá.

Với bối cảnh như vậy, con rắn đã theo dõi và chờ lúc Ê-va đi một mình tới gần cây biết điều thiện và điều ác, để thử khả năng cám dỗ của hắn đối với loài thọ tạo được Đức Chúa Trời thường xuyên trò chuyện và yêu thương.

Kinh-thánh không nói lúc ấy A-đam đang ở đâu. Không phải Ê-va trực tiếp nghe lời dặn dò của Chúa về cây biết điều thiện và điều ác; có lẽ Ê-va nghe A-đam thuật lại về trái cây họ được ăn và cây họ không được ăn.

Satan cám dỗ Ê-va trước, vì do nghe lời chồng thuật lại thì bà dễ nghi ngờ thiện ý của Chúa hơn là A-đam. Cũng có thể satan biết Ê-va thua kém A-đam về sự khôn ngoan và sự minh mẫn.

Ly gián, gieo nghi ngờ là thủ đoạn của satan, cũng là thủ đoạn muôn thuở của những tên lừa đảo chuyên gây bất hoà. Câu hỏi dựng chuyện của satan chỉ nhằm một mục đích dụ dỗ Ê-va chịu ăn trái cấm.

Có lẽ Ê-va đã tới gần cây bị cấm nhiều lần, nhìn trái của nó và tự hỏi: “Tại sao Chúa cấm?” Con rắn đã quan sát và nó chờ cơ hội tốt nhất: “Có thật Đức Chúa Trời đã dặn các ngươi không được ăn trái các cây trong vườn sao?” (1) Luật tốt trở thành xấu khi bị xuyên tạc bằng sự trình bày cách lệch lạc.

Mục tiêu của satan là khiến người nữ thấy mình không có bổn phận phải vâng theo mệnh lệnh của Chúa. Bà đã mắc mưu khi thêm thắt lời cấm và giảm nhẹ hậu quả (2–3).

Satan liền trấn an bằng lời dụ dỗ rất hấp dẫn: “Các người chắc chắn không chết đâu! Vì Đức Chúa Trời biết rằng khi nào các ngươi ăn trái cây đó thì mắt mở ra, và các ngươi sẽ giống Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (4–5).

Lời cám dỗ của satan có hiệu quả đối với loài người từ ngày đó cho tới hiện nay. Ba lãnh vực yếu nhất của người từ xưa tới nay là “dục vọng của xác thịt, ham muốn của mắt và sự kiêu ngạo từ cuộc sống” (1Giăng 2:16). Cho nên, Ê-va thấy “trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì làm cho mình khôn ngoan, thì hái và ăn, rồi trao cho chồng đang đứng bên cạnh; chồng cũng ăn nữa” (6).

Người ta vẫn thường thắc mắc: “Tại sao Đức Chúa Trời đặt cây biết điều thiện và điều ác ở giữa vườn làm chi, để khiến cho loài người phạm tội?

Điểm thứ nhất là Đức Chúa Trời đã dùng cây biết điều thiện và điều ác để thử sự vâng lời của tổ tiên loài người. Dù Ngài đã biết trước họ sẽ thất bại, nhưng Chúa vẫn cho phép việc đó xảy ra; để sau nầy người ta mới thấy được chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài là khôn ngoan biết chừng nào.

Vì qua việc ấy, bản chất ác của satan đã bị phơi bày. Và khi Ngôi Lời của Đức Chúa Trời xuống thế gian chịu chết trên thập tự giá, đoạt lại quyền quản trị thế giới, thì xiềng xích của satan trên thế gian đã bị bứt đứt hết cả.

Điểm thứ nhì là để cho loài người nhận ra rằng dầu họ được dựng nên hoàn toàn trong trắng, nhưng bản chất của loài thọ tạo được ban cho ý chí tự do, thì vẫn khát khao chiếm đoạt những gì bị cấm.

Nếu Chúa không đặt cây biết điều thiện và điều ác bên cạnh cây sự sống ở giữa vườn để thử sự vâng lời của loài người, thì trước sau gì satan cũng sẽ tìm cách khác dụ dỗ họ phạm tội. Lúc ấy loài người sẽ trách móc Đức Chúa Trời là Đấng độc đoán, không cho họ có cơ hội chọn lựa điều lòng họ ao ước.

Có người hỏi rằng, tại sao Đức Chúa Trời không dựng nên một nhân loại chỉ có lòng tốt chứ không có chút xấu xa nào? Họ quên rằng Chúa không tạo nên người máy, mà Ngài tạo nên người có đủ khả năng lựa chọn giữa tốt với xấu, thiện với ác.

Điểm thứ ba là qua việc ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, khiến cho mối tương giao giữa loài người với Đức Chúa Trời bị cắt đứt, người ta mới thấy cây sự sống là quý báu biết bao.

Trọn những ngày hoan lạc trong vườn địa đàng, A-đam và Ê-va đã không ăn trái của cây sự sống trong tầm tay của họ (22). Cơ hội quý báu vô cùng đã liên tiếp bị bỏ lỡ!

Có lẽ hình dáng và màu sắc của trái cây bị cấm khêu gợi óc tò mò của tổ tiên chúng ta, khiến họ không để ý đến cây sự sống nữa.

Có lẽ lúc Ê-va đưa tay lên hái trái của cây biết điều thiện và điều ác, thì A-đam mới tới đứng bên cạnh vợ mình, thấy nàng ăn, ông cũng ăn. Hậu quả là “mắt cả hai người đều mở ra và nhận biết mình trần truồng. Họ kết lá cây vả làm khố che thân” (7).

Sự mắt được mở ra không phải nói về thị giác thể chất, nhưng là mắt của lương tâm. Lòng họ bị cắn rứt vì đã dại dột ăn trái cây biết điều thiện và điều ác.

Trước đó, họ là những người có lòng hoàn toàn ngây thơ và trong trắng, họ chưa có ý thức gì về sự loã lồ. Nhưng sau khi phạm tội bất tuân mệnh lệnh của Chúa, ý tưởng ác bắt đầu xen vào tâm trí họ, dục vọng xác thịt khiến cho họ thấy xấu hổ vì trần truồng trước mặt Đức Chúa Trời và các thiên sứ.

Satan hứa rằng nếu ăn trái cấm mắt họ sẽ “mở ra, sẽ giống Đức Chúa Trời biết điều thiện và điều ác” (5). Đúng là mắt họ đã mở ra, nhưng không phải với lợi thế như họ tưởng, mà để thấy sự xấu hổ và đau khổ.

Sau nầy, A-đam và Ê-va đã thấy thêm nhiều hậu quả tai hại do sự bất tuân lời Chúa của họ gây ra. Họ thấy hạnh phúc họ có trước đây bị rời xa, và cũng thấy sự khốn khổ họ bị rơi vào. Họ thấy Đức Chúa Trời đầy yêu thương bị chọc giận, ân sủng và ân huệ của Ngài không còn.

Họ bị mất các đặc tính giống như Chúa, quyền tể trị của họ trên thiên nhiên bị sứt mẻ, chính bản chất trong họ và dòng dõi họ sau nầy ngày càng bị hư hỏng và suy đồi (Sáng Thế 6:5).

Họ kết lá cây vả làm khố che thân” (7). Hành động lấy lá vả che sự loã lồ bộc lộ tình trạng vô cùng tội nghiệp của tổ tiên loài người. Bởi vì họ không có bất cứ thứ gì khác để che thân; hơn nữa, những cái lá vả không làm cho hình ảnh họ tốt hơn, mà làm cho tệ hơn.

Bất cứ món gì dùng để che đậy tội lỗi bên ngoài đều là vô ích. Vì hễ tội lỗi hay cái xấu đã lộ ra, thì không một thứ gì có thể che giấu được nữa. Ngày nay, chúng ta cũng thường che đậy các lỗi lầm hoặc nhược điểm của mình. Như tục ngữ có câu: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ.

Khi nghe tiếng Giêhôva Đức Chúa Trời đi trong vườn lúc chiều mát, A-đam và vợ ẩn mình giữa các lùm cây trong vườn để tránh mặt Giêhôva Đức Chúa Trời” (8).

A-đam lên tiếng trả lời khi nghe Chúa gọi mình. Ông nói rằng “con sợ nên đi trốn vì con trần truồng” (9–10). Có lẽ rằng Đức Chúa Trời đã lấy hình người mà đi trong vườn để nói chuyện với A-đam và Ê-va. Chúa gọi A-đam chẳng phải vì Ngài không biết ông ở đâu, nhưng Ngài muốn đem ông trở lại.

Ngài lại hỏi “Ai đã chỉ cho con biết mình trần truồng? Có phải con đã ăn trái cây mà Ta ra lệnh cấm ăn đó không?” (11). Mặc dù Chúa đã biết mọi việc, Ngài vẫn muốn A-đam xưng ra việc ông làm. Ngày nay, Chúa cũng muốn chúng ta thành thật xưng nhận mọi tội lỗi mình trước mặt Ngài.

A-đam đổ trách nhiệm cho Ê-va: “Người nữ mà Chúa đặt bên con đã cho con ăn trái cây đó, và con đã ăn rồi” (12). Ê-va thì đổ trách nhiệm cho con rắn (13). Cả hai người, chẳng ai chịu nhìn nhận trách nhiệm của họ là phải vâng lời Chúa.

Ngày nay, loài người vẫn không khác gì tổ tiên của họ xưa kia; luôn luôn đổ lỗi cho người khác khi chính sự kém cỏi của họ khiến họ thất bại. Ý muốn của Chúa là con dân Ngài biết vâng lời Ngài; nhưng Ngài không bao giờ ép buộc ai cả.

SangTheKy08.docx

Rev. Dr. CTB