Nguồn Gốc Người Nê-phi-lim

Chúa Nhật, September 14th, 2014

Sáng Thế Ký, 12

Sáng Thế Ký 6:1–7

Lịch sử loài người thời sáng thế theo ký thuật của Kinh-thánh, đã nẩy sinh một vấn đề khó hiểu đối với các thần học gia chính thống. Ở chỗ “các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người xinh đẹp thì cưới những người nào họ chọn để làm vợ” (2), là một hiện tượng rất bất thường.

Sau đó Kinh-thánh lại kể: “Vào thời bấy giờ và sau đó có những người khổng lồ xuất hiện trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở với con gái loài người rồi sinh ra con cái. Đó là những anh hùng thuở xưa, là những người danh tiếng” (4).

Sự giải nghĩa trở nên khó khăn hơn khi Đức Chúa Giêxu cho biết là thiên sứ trên trời không cưới gả như người trần gian (Ma-thi-ơ 22: 30).

Có ba lý thuyết khác nhau về ý nghĩa của nhóm chữ “các con trai của Đức Chúa Trời.

Quan điểm thứ nhất chủ yếu được lưu truyền trong Do-thái-giáo chính thống, cho rằng B’nai Ha Elohim dịch là “các con trai của Đức Chúa Trời” (2), là nói về những người đàn ông quý tộc.

Quan điểm thứ hai phát sinh từ lý thuyết thần học của giáo hội truyền thống, cho rằng “B’nai Ha Elohim” nói về những người đàn ông thuộc dòng dõi Sết, và con gái loài người là thuộc dòng dõi Ca-in, là nhánh đã bị khai trừ khỏi dòng chính của A-đam, trở thành một nhánh riêng biệt đầy tội lỗi và gian ác.

Quan điểm nầy cũng tin rằng thiên sứ thuộc về linh giới không có khả năng mang thân thể xác thịt; hơn nữa, thiên sứ trên trời không cưới gả như người trần gian (Ma-thi-ơ 22:30).

Quan điểm thứ ba hiểu theo nghĩa đen của nhóm chữ các con trai của Đức Chúa Trời tức là các thiên sứ, đúng theo nghĩa của tiếng Hê-bơ-rơ B’nai Ha Elohim hoặc “Ben Elohiym” dùng để nói tới các thiên sứ.

Trước hết, họ so sánh các chỗ khác nói về thiên sứ trong Kinh-thánh đã dùng đúng chữ B’nai Ha Elohim hoặc Ben Elohiym. Ví dụ như sách Gióp kể chuyện satan cùng đi theo các con trai của Đức Chúa Trời (B’nai Ha Elohim) đến ra mắt Ngài (Gióp 1:6; 2:1).

Quan điểm nầy tin rằng trên thiên đàng không có cưới gả đúng như lời Đức Chúa Giêxu phán; nhưng khi thiên sứ được khoác thân thể loài người ở trần gian, thì họ vẫn có thể sinh hoạt như người trần.

Hai quan điểm đầu bị vấp phải quá nhiều trở ngại không giải thích nổi. Bởi vì chẳng khi nào đàn ông quý tộc hoặc đàn ông tin kính lấy vợ là đàn bà ngoại giáo thì sẽ sinh ra con cái khổng lồ, hoặc dòng dõi của họ trở thành vô cùng độc ác và tội lỗi.

Cũng không thể nào giải thích được tại sao các con trai thuộc dòng dõi Sết ăn ở với con gái thuộc dòng Ca-in, thì làm cho sự gian ác của loài người lan tràn trên mặt đất (6:5).

Nguồn gốc của quan điểm thứ nhì phát sinh từ thế kỷ 5 A.D. Vì giáo hội lúc ấy bắt đầu kính thờ các thiên sứ và cổ võ chủ nghĩa độc thân. Nếu cứ dịch nguyên văn B’nai Ha Elohim là thiên sứ, thì giáo hội bị trở ngại và xấu hổ.

Thần học gia Julius Africanus thấy rằng dùng dòng dõi Sết để giải nghĩa là ổn thoả hơn hết. St. Augustine cũng đồng ý với sự giải nghĩa nầy; vì thế cho nên từ thời trung cổ, cách giải nghĩa đó chiếm ưu thế cho đến ngày nay.

Quan điểm thứ hai ngụ ý dòng dõi Sết được gọi là các con trai của Đức Chúa Trời vì họ kính thờ Chúa. Nhưng cách giải thích đó bị bế tắc khi “Đức Giê-hô-va thấy sự gian ác của loài người lan tràn trên mặt đất, và chúng chỉ luôn toan tính những mưu đồ xấu xa” (5).

Nghĩa là mọi người đang sống trên đất lúc ấy, kể cả dòng dõi Sết, dòng dõi Ca-in, dòng dõi của những người con trai, con gái do bà Êva sinh ra sau khi sinh Sết (5:4), đều trở nên gian ác như nhau. Tất cả đều bị tuyệt diệt trong trận đại hồng thuỷ, ngoại trừ gia đình Nô-ê.

Vấn đề được giải quyết theo quan điểm thứ ba, khi người ta xem lại câu văn Hê-bơ-rơ thấy chữ “Bemoth Adam” có nghĩa là con gái loài người, (Adam=người), chứ không phải là Bemoth Cain, thì hiểu rằng B’nai Ha Elohim ăn ở với Bemoth Adam, tức là các thiên sứ sa ngã ăn ở với đàn bà thuộc nhân loại, thì sinh ra người Nê-phi-lim, tức là người khổng lồ.

Nếu đúng là con trai của Sết ăn ở với con gái Ca-in, thì tại sao Kinh-thánh lại ghi là các con trai Đức Chúa Trời ăn ở với con gái A-đam mà không ghi là các con trai của Sết ăn ở với các con gái của Ca-in?

Nhược điểm đã khai tử lý thuyết ‘con trai của Đức Chúa Trời’ là dòng dõi Sết, là sự có mặt của người Nê-phi-lim (4). Vậy người Nê-phi-lim khổng lồ lúc ấy từ đâu ra?

Như bài học trước đã đề cập, sách Jubilees giải thích lý do Ma-ha-la-lel, cháu bốn đời của Sết, đặt tên con trai là Giê-rệt nghĩa là ‘sẽ giáng xuống,’ vì lúc ấy các thiên sứ ‘canh giữ’ được sai xuống thế gian để dạy người trần những điều họ cần phải biết.

(Xin lưu ý là sự trích dẫn các sách cổ chỉ để tham khảo mà thôi).

Theo sách Enoch thì Chúa sai 200 thiên sứ thuộc đẳng cấp ‘teraphim’ xuống thế gian làm các thiên sứ canh giữ và phù trợ loài người.

Chính những thiên sứ nầy ở dưới quyền lãnh đạo của 20 thiên sứ trưởng có tên là: Azazel, Samlazaz, Araklba, Rameel, Kokablel, Tamlel, Ramlel, Danel, Ezeqeel, Baraqijal, Asael, Armaros, Batarel, Ananel, Zaqiel, Samsapeel, Satarel, Turel, Jomjael, và Sariel (Enoch 6:8).

Vì thấy con gái do loài người sinh ra quá xinh đẹp, họ động lòng tà dâm; do được khả năng mang thân thể loài người, nên họ đồng lòng phản loạn, bỏ địa vị thánh thiện cao cả ở thiên đàng, lựa chọn những mỹ nhân nào ưng ý mình và cưới làm vợ (Enoch 6:1–7).

Azazel, thủ lãnh của nhóm thiên sứ canh giữ nói trên, là một cái tên đã có nhắc tới trong Lê-vi-ký 16:8, 10, 26, nhưng không có một chút giải thích nào.

Giu-đe, một trong ba em trai của Đức Chúa Giêxu do bà Mary sinh ra từ ông chồng Giô-sép, xác nhận về các thiên sứ phản loạn, bỏ chỗ của họ:

Còn những thiên sứ không chịu giữ địa vị nguyên thuỷ, rời bỏ chỗ ở mình, đã bị Ngài xiềng lại mãi mãi trong nơi tối tăm, chờ sự phán xét trong ngày lớn” (Giu đe 6).

Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết: “Đức Chúa Trời đã không dung thứ các thiên sứ phạm tội, nhưng ném họ vào hoả ngục, cho giam giữ trong hầm tối để chờ ngày xét xử” (2Phi-e-rơ 2:4).

Như vậy, những thiên sứ nầy khác với các thiên sứ theo phe phản loạn của satan. Bởi vì các thiên sứ theo phe satan vẫn còn đang lộng hành, chưa bị giam giữ.

Vì các thiên sứ sa ngã đã bỏ địa vị cao cả và thánh khiết của họ trên thiên đàng, ăn ở với các mỹ nhân để sinh ra những người khổng lồ; cho nên, “Đức Giê-hô-va phán: ‘Thần Ta sẽ không ngự trị mãi trong loài người, vì họ chỉ là xác phàm, đời người sẽ chỉ còn một trăm hai mươi năm mà thôi’” (3).

Dòng giống loài người lúc ấy đã bị pha trộn bởi con cái do đàn bà đã mang thai với các thiên sứ sa ngã. Và loài người thời đó đều sống rất thọ. Người sống hơn 500 tuổi không phải là hiếm.

Và nếu dòng giống do các thiên sứ sa ngã pha trộn với loài người vẫn sống thọ, thì nhân loại sẽ càng hỗn loạn hơn. Vì vậy, Chúa định lại đời người sau cơn nước lụt là 120 năm mà thôi.

Bằng cớ về thiên sứ thuộc đẳng cấp teraphim được sai xuống trần làm các thiên sứ canh giữ, vẫn còn lưu truyền trong phong tục của người vùng Lưỡng Hà. Họ thờ tượng thiên sứ là các vị thần cứu giúp, chỉ dẫn và bảo vệ họ.

Chuyện La-ban rượt theo Gia-cốp và lục soát để lấy lại các tượng thần, mà tiếng Hê-bơ-rơ ghi là ‘teraphyim’ minh giải điều nầy: “.. tại sao con lấy trộm các teraphyim của cha? …. Gia-cốp thực tình không biết rằng Ra-chên đã lấy trộm các teraphyim đó. ….. Ra-chên đã lấy các teraphyim đó và giấu dưới bành lạc đà rồi ngồi lên trên. La-ban lục soát khắp trại nhưng không thấy các teraphyim” (Sáng-thế-ký 31:30–34).

Mặc dù sự tích nầy xảy ra rất lâu sau cơn đại hồng thuỷ, nhưng người ở vùng Lưỡng Hà, cái nôi sinh ra loài người, vẫn có thói tục thờ lạy các thiên sứ teraphim.

Khi Đức Chúa Trời “lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người trên mặt đất và đau buồn trong lòng” (6), thì Ngài quyết định sẽ xoá sạch loài người mà Ngài đã tạo dựng (7).

Chúng ta hiểu rằng để loại trừ giống người Nê-phi-lim đang lan tràn trên mặt đất, Đức Chúa Trời phải dùng cơn đại hồng thuỷ để giải quyết sự phá khuấy của satan vào chương trình tốt đẹp mà Ngài đã dựng nên ở trên đất.

Về thời sáng thế thì còn có nhiều vấn đề mà chúng ta chưa hiểu hết như: Tại sao chỉ có gia đình Nô-ê được cứu khỏi nước lụt? Chúng ta sẽ xem xét việc đó trong bài học kỳ tới.

SangTheKy12.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký