Về Quê Hương và Các Thách Thức Mới

Sáng Thế Ký, bài 39

Sáng-thế-ký 33–34

Sáng hôm đó Gia-cốp tiếp tục lên đường dù dáng đi khập khiểng vì chưa hết đau chỗ khớp xương hông. Tâm tư của Gia-cốp lúc ấy có lẽ vẫn chưa hết bàng hoàng sau cuộc gặp gỡ, vật lộn, nói chuyện với Đức Chúa Trời, được Ngài ban phước và đặt cho một tên mới.

Tâm trạng của trí não cõi xác thịt bị chiếm hữu bởi các biến chuyển đột ngột của tâm linh, sẽ tạo nên một thứ cảm xúc đặc biệt làm củng cố đức tin của người vừa trải qua kinh nghiệm thần thượng ấy. Chắc rằng điều đó giúp Gia-cốp vững tâm hơn trên đường đi gặp Ê-sau.

Tuy nhiên, lúc vừa thấy Ê-sau cùng đoàn bốn trăm người xuất hiện ở đàng xa, Gia-cốp đã hết sức thận trọng trong cử chỉ bày tỏ sự phục tùng của ông và toàn thể gia đình ông đối với Ê-sau (1–3).

Ông sắp xếp hai nữ tì và con cái họ đi trước, Lê-a và các con của bà đi kế tiếp, rồi Rachel và Giô-sép đi sau cùng; để nếu họ bị tấn công, thì hai người mà Gia-cốp yêu thương nhất, là Rachel và Giô-sép có hi vọng chạy thoát.

Trái với sự lo ngại của Gia-cốp, thái độ của Ê-sau là cảm động và mừng rỡ khi gặp lại người em song sinh của mình. Đức Chúa Trời có quyền thay đổi lòng người, bởi vì lòng của mọi người đều nằm trong tay Ngài.

Hai anh em cùng khóc là điều tất yếu phải xảy ra giữa tình ruột thịt, khi họ xa nhau đã quá lâu (4). “Khi ngẩng lên thấy đám phụ nữ và trẻ con, Ê-sau hỏi: ‘Những người đi với em là ai vậy?’ Gia-cốp trả lời: ‘Đó là những đứa con mà Đức Chúa Trời đã đoái ban cho đầy tớ anh’” (5).

Các vợ và con của Gia-cốp theo thứ tự, đã được sắp xếp, tiến đến sấp mặt xuống đất trước mặt Ê-sau (6–7). Ê-sau quay qua hỏi Gia-cốp về mấy đàn thú ông đã gặp trên đường, mà các đầy tớ của Gia-cốp trình với ông rằng chúng là quà của Gia-cốp biếu Ê-sau. Gia-cốp trả lời câu hỏi của Ê-sau: “Ấy là để được anh đoái thương” (8).

Ê-sau không chịu nhận các món quà của em mình, vì ông cũng tạo dựng được một cơ đồ rất lớn (9). Nếu chỉ tính tài sản của Y-sác truyền lại mà thôi, thì ông đã là một người rất giàu có.

Gia-cốp thì nhất mực nài nỉ anh mình hãy nhận các món quà; ông tôn cao anh mình lên, còn bản thân thì rất khiêm tốn: “Được thấy mặt anh thật chẳng khác gì được thấy mặt Đức Chúa Trời, vì anh đã vui lòng tiếp nhận em. Xin anh vui nhận món quà em biếu anh, vì Đức Chúa Trời đã thương xót em và ban cho em đầy đủ mọi sự” (10–11).

Ông nài ép đến nỗi Ê-sau phải nhận. Một khi nhận quà rồi thì những mối bất hòa năm xưa đều đã được giải toả hết.

Có lẽ Ê-sau dự định mời gia đình Gia-cốp về ở vùng núi Seir với mình, nên ông giục: “Nào, chúng ta hãy lên đường! Anh sẽ đi trước em” (12). Chưa bao giờ tình yêu thương giữa Ê-sau và Gia-cốp đậm đà như lúc nầy.

Ê-sau chân thành giải hòa và tình nguyện làm người dẫn đường cho Gia-cốp. Dấu hiệu đó chứng tỏ Đức Chúa Trời đã thay đổi lòng của Ê-sau.

Nhưng Gia-cốp có dự định khác, ông xin Ê-sau cứ đi về trước, ông và đàn con cùng bầy súc vật sẽ từ từ theo sau. Kể cả lúc Ê-sau đề nghị để lại một số người tùy tùng, Gia-cốp cũng thoái thác đề nghị ấy (13–15).

Vì thế “Ngay hôm ấy, Ê-sau trở về Seir. Nhưng Gia-cốp đi đến Succoth, cất cho mình một cái nhà và mấy túp lều cho súc vật. Vì vậy, ông đặt tên chỗ đó là Succoth” (16–17). Địa điểm nầy nằm ở phía đông của sông Jordan, nơi có nhiều nước và cỏ xanh cho súc vật của Gia-cốp.

Gia-cốp cất nhà nhưng sẽ không định cư ở đó, còn các bầy thú thì quá nhiều và thường sống ngoài trời nên số túp lều cho chúng phải nhiều lắm. Không biết là Gia-cốp đã ở đó bao lâu, vì về sau ông dời đến đóng trại đối diện thành Shechem thuộc xứ Ca-na-an (18).

Ông trả một trăm miếng bạc cho con cháu Hê-mô, cha của Shechem, để mua miếng đất mà ông đang đóng trại (19).

Lần đầu tiên trong đời, Gia-cốp lập một bàn thờ, có nghĩa là chính thức lập sự thờ phượng Đức Chúa Trời của cá nhân mình. Ông đặt tên bàn thờ là El Elohe Israel, có nghĩa Đức Chúa Trời là Thiên Chúa của Israel, tức là Thiên Chúa của chính ông (20). Gia-cốp đã bình an về tới quê hương dưới sự gìn giữ và che chở của Đức Chúa Trời như lời Ngài đã hứa (Sáng thế 28:15).

Sau khi dọn tới Shechem, “một hôm, Đi-na, người con gái mà Lê-a sinh cho Gia-cốp, đi ra làm quen với các cô gái trong vùng. Si-chem, con trai của thủ lĩnh Hê-mô, người Hê-vít, trông thấy cô thì bắt đi rồi cưỡng ép cô nằm với mình” (34:1–2).

Khi việc nầy xảy ra, thì có lẽ Đi-na đã được mười lăm hay mười sáu tuổi. Nghĩa là khoảng tám tới mười năm đã trôi qua, kể từ lúc Gia-cốp rời khỏi Paddan Aram về cư ngụ ở Succoth, Ca-na-an.

Vì sau khi cưới hai vợ được mười ba năm thì Gia-cốp lìa Charan để trở về quê hương mình. Như vậy, lúc Đi-na tới Ca-na-an thì chỉ là một bé gái mới sáu bảy tuổi, còn Giô-sép nhỏ hơn Đi-na khoảng một tuổi. Đi-na vì tò mò lén đi thăm các cô gái bản xứ mà không cho cha biết; vì thế cô đã bị Shekem bắt đi và cưỡng hiếp.

Shekem giữ Đi-na ở nhà mình vì mê mệt nhan sắc của cô; nhưng lại xin cha mình đi gặp nhà gái để xin cưới hỏi đàng hoàng (3–4).

Có lẽ vài nữ tì nhà Gia-cốp đi với Đi-na vào thành, cho nên khi sự việc xảy ra họ về báo cho Gia-cốp hay; nhưng vì “các con trai ông vẫn còn ở ngoài đồng với bầy súc vật, nên ông giữ yên lặng cho đến khi họ trở về” (5).

Các con trai do Lê-a và hai nữ tì sinh cho Gia-cốp lúc nầy đều đã là thanh niên khoẻ mạnh trên dưới hai mươi tuổi. Khi Hê-mô tới gặp Gia-cốp để xin cưới Đi-na cho con trai mình, thì họ “nổi nóng và giận dữ vì Si-chem đã làm điều đồi bại trong Israel khi nằm với con gái Gia-cốp, là điều không bao giờ được phép làm” (6–7).

Hê-mô và Shekem thì nài nỉ Gia-cốp và các con trai của ông vui lòng kết thông gia với người thành Shechem, “sinh sống, buôn bán và tạo dựng sự nghiệp” tại chỗ đó (8–10).

Shekem lại nói thêm với Gia-cốp và các anh của Đi-na là “bất cứ yêu cầu nào của quý vị, tôi cũng xin đáp ứng. Xin cứ đòi sính lễ và quà cưới thật cao, tôi xin nộp đúng như quý vị đòi hỏi” (11–12).

Bây giờ đến lượt các con trai của Gia-cốp dùng mưu kế mà trả lời hai cha con Hê-mô và Shekem. Viện cớ việc gả con gái cho những người chưa chịu cắt bì là một điều sỉ nhục (13-14), họ chỉ nhận lời “với điều kiện là các ông phải trở nên giống như chúng tôi, nghĩa là mọi người nam phải chịu cắt bì. Được vậy, chúng tôi sẽ gả con gái chúng tôi cho các ông, và sẽ cưới con gái các ông cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ sống chung với các ông và chúng ta sẽ trở nên một dân tộc. Còn nếu các ông không nghe lời chúng tôi và không chịu cắt bì, thì chúng tôi sẽ bắt con gái lại và dọn đi nơi khác” (15–17). Cha con Hê-mô và Shekem vui mừng chấp nhận điều kiện ấy (18–19).

Họ tập họp dân trong thành tại cổng thành để truyền đạt lại đề nghị của các con trai Gia-cốp về việc mọi người nam của họ phải chịu cắt bì. Mối lợi vô cùng hấp dẫn được đưa ra là, “các bầy súc vật, tài sản và tất cả gia súc của họ sẽ chẳng thuộc về chúng ta sao? Chỉ cần chúng ta đồng ý với họ thì họ sẽ sống chung với chúng ta” (20–23).

Mọi người ra họp ở cổng thành đều thấy rằng họ sẽ được lợi chứ chẳng mất mát gì; cho nên, sau khi nghe lời khuyên dụ của cha con Hê-mô và Shekem, “mọi người nam trong thành đều chịu cắt bì” (24).

Theo ký thuật của Kinh-thánh về thủ thuật cắt bì, thì người ta phải dùng dao làm bằng đá lửa để cắt bỏ lớp da bọc quy đầu đàn ông. Ở đây không nói về việc ai sẽ thực hiện công tác cắt bì cho mọi người nam trong thành; nhưng chắc rằng họ phải tự cắt cho nhau, chứ gia đình Gia-cốp không tham dự chuyện đó.

Đến ngày thứ ba, khi mọi người còn đang đau, hai con trai Gia-cốp là Si-mê-ôn và Lê-vi, tức là các anh của Đi-na, cầm gươm, bất thần xông vào thành giết tất cả các người nam. Họ dùng gươm giết Hê-mô và Shekem, con trai ông, đem Đi-na ra khỏi nhà, rồi đi” (25–26).

Con của Gia-cốp cũng cướp phá thành, “họ bắt các bầy chiên, bò, lừa, và lấy hết những gì ở trong thành cũng như ngoài đồng.” Họ cướp đoạt và đem đi tất cả tài sản và bất cứ vật gì có trong nhà, kể cả đàn bà, con trẻ cũng bị họ bắt về làm nô lệ, để trả thù việc em gái họ bị xâm phạm tiết hạnh (27–29).

Mưu kế của họ thành công, vì chỗ cắt bì của mọi người nam thành Shechem đều đang sưng tấy và đau nhức, nên chẳng ai có sức để chống cự.

Gia-cốp thì lo lắng rằng sẽ bị cư dân Ca-na-an liên kết nhau tấn công và tiêu diệt gia đình ông, vì các con trai ông đã giết hết mọi người nam ở thành Shechem. Các con ông thì không bằng lòng cho em gái họ bị làm nhục (30–31).

SangTheKy39.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký