Đừng Sợ!

Các Vấn Đề Căn Bản, bài 21

Luca 5:1–11

Theo lẽ thường thì một người làm nghề chài lưới lâu năm, có rất nhiều kinh nghiệm đánh cá ở hồ Ghê-nê-za-rết trọn đời mình, như Phi-e-rơ, thấy một mẻ lưới kỳ diệu ông đánh được sau khi vâng lời Đức Chúa Jesus, thì phải rất ngạc nhiên và thán phục.

Ông có thể hỏi: “Bởi kinh nghiệm nào mà Thầy biết được có đàn cá đang tới chỗ đó?” Hay là, “Làm sao Thầy biết giờ nào thả lưới thì đánh được cá? Hay, “Ồ! Thầy học ở đâu mà có tài biết luồng cá chạy hay vậy?

Nhưng ông không bày tỏ phản ứng hay các câu hỏi khâm phục mà quỳ xuống thưa: “Lạy Chúa! Xin lìa khỏi con, vì con là người có tội” (8).

Người thời nay rất ngạc nhiên trước phản ứng của Phi-e-rơ, bởi vì hầu hết người đọc Kinh-thánh chưa hiểu phản ứng của linh hồn người trần trước Đấng Thánh.

Chúng ta ít khi nghiền ngẫm với ý nghĩ mình là người có tội. Chúng ta quen thuộc với khung cảnh nhà thờ, được tự do cầu nguyện nói chuyện với Chúa; nhiều tín đồ theo đạo lâu năm, thì lòng đã quen với tình trạng tâm linh hâm hẩm của mình.

Rất ít người trong chúng ta tin rằng khi bước vào cuộc thờ phượng, thì mình sẽ mặt đối mặt với Chúa Chí Thánh. Tâm trạng chung đó khiến tín hữu không biết rõ tình trạng thật của con người mình như thế nào.

Trên thực tế thì mọi tín hữu đều đã được nghe giảng về Đức Chúa Trời thánh khiết, nhưng chắc rằng chưa người nào hiện nay còn ở thế gian đã thực sự được đứng trước Đức Chúa Trời Chí Thánh để biết sự thánh khiết của Ngài là ra sao, hoặc nhận ra sự thật bên trong con người trần tục của mình tệ hại tới mức nào. Vì vậy, chúng ta chưa hiểu được tại sao Phi-e-rơ lại nói như thế.

Không có bao nhiêu tín hữu ngày nay thấy hào hứng và vui mừng khi nghe tin báo là sẽ phải đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Có lẽ đại đa số sẽ xem đó là tin chẳng lành, bởi vì tự nhìn lại thì chẳng thấy mình có gì xứng đáng cả.

Thay vì nghe Chúa trở lại là một tin mừng vô hạn, thì hoàn toàn kinh hoảng khi nghe điều nầy; bởi vì hầu hết chúng ta đều nhận thấy mình chưa đạt tới mức thanh sạch đáng lẽ phải có, mà gặp mặt Chúa thì đâu còn thì giờ nào để sửa đổi nữa?

Phi-e-rơ chưa bao giờ gặp một người đang ở trên cạn mà biết rõ chỗ đàn cá đang tụ tập ở dưới mặt nước. Ông chỉ nói rằng, vì nể Thầy mà tôi thả lưới, chứ chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì hết; làm sao Thầy rành nghề cá hơn chúng tôi?

Nhưng khi thấy mẻ lưới được quá nhiều cá như vậy, ông nhận ra vị đạo sĩ nầy phải là thần thánh từ trời; vì vậy, ông thấy mình quá ô uế.

Chúng ta cũng vậy, chỉ khi nào đem soi chính mình vào gương thánh của Đức Chúa Trời, thì chúng ta sợ hãi, hốt hoảng thưa: “Xin Chúa đừng đến gần, vì con là một người đáng bị ghê tởm.

Cả Phi-e-rơ và người thời nay, là người sợ hãi sự hiện diện thánh của Chúa, đều chưa biết là từ đàng xa Đức Chúa Trời đã thấy rõ tất cả những tính tình xấu xa, nỗi thất vọng, sự tức giận, và nỗi lòng buồn khổ của đời người.

Lời đáp của Đức Chúa Jesus khiến Phi-e-rơ kinh ngạc hơn nữa, vì là điều ông chẳng bao giờ nghĩ tới: “Đừng sợ! Kể từ nay, con sẽ trở nên tay đánh lưới người” (10). Đức Chúa Jesus tự lập giao ước với một người đánh cá ở hồ Ghê-nê-za-rết, một lời hứa mà Ngài sẽ thực hiện.

Chuyện tích nầy đem đến sự an ủi vô cùng cho chúng ta; vì Chúa không tránh xa người tội lỗi như chúng ta nài nỉ, mà Ngài đến gần, dịu dàng phán rằng: “Đừng sợ!

Để hiểu rõ lý do lời phán “Đừng sợ” của Chúa đều áp dụng được cho bất cứ ai tin Ngài, hãy cùng nhau xem xét cách Đức Chúa Trời thực hiện giao ước của Ngài qua một chuyện tích rất xưa từ thời Áp-ra-ham (Sáng thế 15:7–18).

Khi Áp-ra-ham thắc mắc với Chúa rằng làm sao ông biết con cháu của ông sẽ được nhận lãnh xứ Canaan, nơi ông đang kiều ngụ, làm cơ nghiệp (15:8), thì Đức Chúa Trời bảo ông phải chuẩn bị mấy con thú sau đây để Ngài sẽ lập giao ước với ông: Một bò cái, một con dê cái, một con chiên đực, tất cả đều phải tròn ba tuổi, một con chim cu ngói và một chim bồ câu (15:9).

Bò đực, dê đực và chiên đực tròn một tuổi là các loại sinh tế dùng cho tế lễ chuộc tội. Chúng ta có thể hiểu bò cái, dê cái và chiên đực ba tuổi là để dùng cho giao ước, sở dĩ chúng phải đủ ba tuổi để được xem là đã trưởng thành, thích hợp cho việc lập giao ước.

Khi xem xét cách Ngài thiết lập giao ước với Áp-ra-ham chúng ta hiểu tại sao Ngài phán “Đừng sợ” (15:1).

Theo phong tục của người thời ấy, để lập một giao ước vững chắc giữa hai người mà không bên nào được quyền hủy bỏ, thì người ta giết các con thú hi sinh và xẻ chúng ra làm đôi, rồi đặt thây của chúng nằm hai bên trên mặt đất, mỗi bên một phần; ở giữa là lối đi mà hai phía giao ước phải cùng nhau bước qua. Họ vừa đi vừa đọc lại tất cả các điều khoản của giao ước.

Thế thì, giao ước được long trọng xác nhận bằng huyết; nếu phía nào vi phạm giao ước thì sẽ bị số phận giống như con thú đã bị giết và xẻ đôi vậy.

Giêrêmi 34:18-19 chép lời kết án của Đức Chúa Trời đối với dân Giu-đa vi phạm giao ước với Ngài: “Những kẻ đã vi phạm giao ước Ta, không tuân giữ các điều khoản trong giao ước đã lập trước mặt Ta, thì Ta sẽ làm cho chúng như con bò tơ mà chúng mổ làm đôi và đi qua giữa hai phần. Thật, các thủ lãnh Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, các hoạn quan, các thầy tế lễ, và toàn dân trong xứ đã đi qua giữa hai phần của con bò tơ.

Sau khi Áp-ra-ham đã giết các con thú, xẻ chúng làm đôi và đặt hai bên lối đi, mỗi bên một nửa của ba con thú, thì Đức Chúa Trời không bắt ông phải đi qua giữa hai phần của ba con thú, mà Ngài khiến cho ông ngủ mê (15:12).

Rồi có một lò lửa đang bốc khói xuất hiện, và “một ngọn đuốc cháy rực đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi” (15:17).

Nghĩa là một mình Đức Chúa Trời đi ngang qua giữa hai phần của các con thú. Ngài dùng chính Ngài bảo đảm cho cả hai bên của giao ước.

Đây là loại giao ước Đức Chúa Trời lập với chúng ta: Thay vì kết án con dân Ngài do họ đã không đạt nổi tiêu chuẩn của Ngài, thì chính mình Đức Chúa Trời xuống thế gian trong thân vị của Đức Chúa Giêxu để thay thế chúng ta nhận chịu hình phạt của phía vi phạm giao ước.

Bản thể của Chúa chúng ta là như vậy. Ngài dịu dàng phán với người tin Ngài rằng: “Đừng sợ!” Vì Ngài sẽ thay cho chúng ta hoàn thành giao ước mà chúng ta chẳng thể thực hiện nổi.

Có lẽ rất nhiều con cái Chúa nhận thấy mình thiếu sót và thất bại trong lời hứa nguyện trọng thể mỗi lần dự Tiệc Thánh: “Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta!” và “mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy thì rao giảng sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1Côrinhtô 11:23b, 25b, 26).

Dự tiệc thánh là dự phần vào thân và huyết của Đức Chúa Jesus, là hứa nguyện sẽ rao giảng Phúc âm của Đức Chúa Trời về ơn cứu chuộc đã được Đức Chúa Jesus thực hiện. Mặc dù không ai bị bắt buộc phải dự Tiệc Thánh, nhưng sự cố ý từ chối nhận Tiệc Thánh có nghĩa là từ chối không dám hứa nguyện sẽ rao giảng Tin Mừng; mà mỗi lần dự Tiệc Thánh thì lương tâm thường bị cáo trách vì đã thiếu sót trong công tác truyền giáo, hoặc tấm lòng đau khổ cầu xin Chúa đừng đến gần, vì chúng ta tự biết mình vẫn còn mang nhiều điều ô uế.

Hãy xem lại lời Đức Chúa Jesus phán với Phi-e-rơ: “Đừng sợ! Kể từ nay, con sẽ trở nên tay đánh lưới người.

Chúa không bắt chúng ta cùng đi với Ngài giữa hai phần của con thú bị xẻ làm đôi để thề nguyện giữ trọn giao ước, Ngài đã đi một mình; và vì dân của Ngài sẽ cứ vi phạm giao ước ấy nên Đức Chúa Jesus đã phải nhận lãnh án chết, là hình phạt dành cho bên phá vỡ giao ước.

Hành động hi sinh ấy chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng Chúa đã giải quyết điều chúng ta sợ hãi nhất là không giữ nổi giao ước với Chúa. Đừng sợ, vì Đức Chúa Trời biết rõ các nhược điểm trong chúng ta.

Đức Chúa Jesus đã quả quyết hứa với Phi-e-rơ là ông sẽ trở nên tay đánh lưới người, vì Ngài sẽ ban cho ông được đầy dẫy Đức Thánh Linh sau khi Ngài lìa ông về trời.

Đức Thánh Linh đã được ban xuống trần gian, mọi tín hữu đều đã được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh. Tất cả chúng ta đều có thể trở nên tay đánh lưới người, miễn là chúng ta đừng sợ, cứ hết lòng tin vào Đấng đã thực hiện giao ước, rồi nhường cho Ngài điều khiển cuộc đời của chúng ta trên trần gian.

Ai sẵn lòng vâng theo tiếng gọi của Đức Thánh Linh, Ngài sẽ mở đường cho người đó có cơ hội được chỉ dẫn cách thức truyền giáo hiệu quả; miễn là anh chị em chịu dành thì giờ lắng nghe Đức Thánh Linh và vâng theo sự dạy dỗ của Ngài. Đừng sợ!

VanDeCanBan21
Rev. Dr. CTB