Tương Lai Các Chi Tộc Israel

Sáng Thế Ký, bài 51

Sáng Thế Ký 49:1–33

Vào lúc Gia cốp sắp qua đời, chắc chắn các con trai của ông đã tề tựu đông đủ trong nhà cha của họ. Vì nếu mỗi gia tộc đều có nhà cửa riêng sau mười bảy năm kiều ngụ tại Ai-cập, khi Gia cốp cần tụ họp họ lại, thì ông phải sai sứ giả đi gọi tất cả các nhà hay các khu vực mà họ cư ngụ.

Như thế, khi các con trai đến nơi thì có thể bị trễ nải, không kịp nghe lời trăng trối của cha mình. Vì họ đã có mặt, cho nên, sau khi chúc phước cho Ép-ra-im và Ma-na-se, “Gia cốp gọi các con trai lại và nói: ‘Hãy tụ họp lại đây, cha sẽ nói những điều sẽ xảy đến cho các con trong tương lai. Hỡi các con trai Gia-cốp, hãy tụ họp lại và nghe; lắng nghe Israel, cha các con’” (1–2).

Vào thời mà Đức Chúa Trời hoặc các thiên sứ của Ngài thỉnh thoảng hiện ra nói chuyện với các tổ phụ của dân Do-thái, từ Áp-ra-ham qua Y-sác tới Gia-cốp; lúc những người ấy tiến gần tới giờ lâm chung, thì điều rõ ràng là linh hồn họ gần gũi với cõi thiêng liêng hơn nên có thể nói tiên tri về tương lai của các hậu tự, là dòng dõi họ.

Ngày nay, chẳng ai trong Hội-thánh của Chúa biết trước sự sinh sống của con cháu mình sau nầy sẽ ra sao, nhưng tín hữu có thể biết chắc những gì sẽ xảy ra cho chúng trong tương lai, tùy theo cách sống và cư xử của chúng trong thế gian nầy có thuận theo ý muốn của Chúa hay không.

Gia-cốp bảo các con hãy nghe cha mình và lời của Israel. Cả hai tên chỉ là một người, nhưng tên Gia-cốp là con người thiên nhiên, còn Israel là người của cõi thuộc linh.

Mặc dù Gia-cốp nói những lời tiên tri đặc biệt cho từng người, nhưng ông nói cốt ý cho mọi người khác đều nghe, vì là những lời dặn dò cho cả gia đình.

Người học Kinh-thánh hãy chú ý kỹ càng đoạn văn nầy, bởi vì nó chứa đựng những lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm lâu đời về sau; mà lúc chúng được nói ra, thì không người nào có mặt trong giờ đó có thể mường tượng nổi. Nhưng về sau thì những lời ấy đã được ứng nghiệm đầy đủ và hoàn toàn chính xác.

Reuben có mọi đặc quyền của con trưởng nam, hoa trái đầu tiên của sinh lực Gia-cốp. “Vốn có địa vị cao trọng và quyền hạn tột đỉnh” (3). Tuy vậy, vì như nước bị chảy xuống chỗ thấp hơn, Reuben bị rơi khỏi địa vị cao trọng và quyền hạn trưởng nam, do ông phạm tội gian dâm với vợ lẽ của cha mình (4).

Khi dân Israel tiến vào đất hứa, trước khi vượt qua sông Jordan, chi tộc Reuben xin được ban cho phần đất ở phía đông của sông Jordan. Rồi trong suốt lịch sử, chi tộc Reuben chẳng bao giờ nắm giữ một địa vị hay vai trò quan trọng trong nước Israel.

Si-mê-ôn và Lê-vi đã nuôi chí trả thù khi Shekem cưỡng hiếp em gái Đi-na của họ. Họ giả vờ kết ước với dân thành Shechem rồi dùng gươm tận diệt dân thành (Sáng-thế 34:25–26). Tính tàn bạo và hung tợn, dù chỉ phạm một lần từ rất nhiều năm trước, là tội lỗi bị Gia-cốp nhắc lại (5–7).

Hai chi tộc ấy không bị cắt khỏi Israel; nhưng bởi lời nguyền của Gia-cốp, chi tộc Si-mê-ôn về sau chỉ ở một góc tây nam của lãnh thổ Giu-đa (Giô-suê 19:1), còn Lê-vi thì không có phần đất riêng của chi tộc họ mà phải ở trong bốn mươi tám thành rải ra khắp nước (Giô-suê 21:41–42).

Tên của Giu-đa có nghĩa là “ca ngợi,” vì Lê-a ca ngợi Đức Giê-hô-va khi sinh ra ông (Sáng -thế 29:35). Ông được đưa lên địa vị cao trọng sau khi Reuben, Si-mê-ôn và Lê-vi không đạt được sự chấp thuận của cha.

Chúng ta cũng để ý thấy Gia-cốp tôn trọng công lao lớn đặc biệt của đứa con trai nào chịu đứng ra nhận lãnh trách nhiệm bảo lãnh đứa em út để cho cả gia tộc được sống. Vì thế, ông nói những lời tiên tri huy hoàng về chi tộc Giu-đa (8–12).

Khi ra khỏi xứ Ai-cập, chi tộc Giu-đa là đạo quân tiên phong dẫn cả đoàn dân đi xuyên qua vùng hoang mạc gớm ghê (Dân-số 10:14). Giu-đa không phải là sư tử hung tợn mà là sư tử vui hưởng sự thoả mãn về quyền lực và thành công của mình mà láng giềng không cần lo sợ.

Về sau chi tộc Giu-đa giữ vương quyền nước Do-thái qua Đa-vít và dòng dõi. Đấng Shiloh, Hậu-tự của lời hứa, tức là Đấng Christ, đã sinh ra trong chi tộc Giu-đa. Thiên đàng gọi Ngài là Sư-tử của chi tộc Giu-đa (Khải Huyền 5:5), mà mọi người phải quy phục.

Lời tiên tri cho Sa-bu-lôn là chi tộc đó sẽ được ở cạnh bờ biển. Khi vào đất hứa, họ được chia phần cạnh hồ Ghê-nê-sa-rết, cũng gọi là biển Ga-li-lê hoặc Ti-bê-ri-át.

Thành Si-đôn nằm bên bờ Địa Trung Hải, cách ranh giới phía Tây của Sa-bu-lôn chẳng bao xa (13). Người ta tin rằng dù Sa bu-lôn không ở bên bờ Địa Trung Hải, họ vẫn cùng với thành Si-đôn hành nghề hàng hải.

Dầu là em và đều là con của Lê-a, Sa-bu-lôn lại được Gia-cốp nhắc tới trước Y-sa-ca. Chi tộc Y-sa-ca có những người đàn ông khoẻ mạnh và chăm chỉ làm việc. Gia-cốp nói họ là hình ảnh con lừa mạnh mẽ kéo cày, bừa đất và chuyên chở hàng hóa, thích gánh vác việc đồng áng nặng nhọc (14–15).

Bốn người con trai của hai nữ tì thường giữ địa vị khiêm tốn trong gia đình; nhưng lời chúc phước tiên tri cho dòng dõi Đan không kém gì các anh em thuộc dòng chính của các con trai Gia -cốp (16–17).

Địa vị quan xét đã được ứng nghiệm dưới thời Sam-sôn (Quan-Xét 13–16). Biểu tượng con rắn độc được giải nghĩa là chi tộc Đan gây ra tội thờ hình tượng đầu tiên giữa Israel (Quan-Xét 18). Và bản liệt kê danh sách các chi tộc Israel ở Khải-huyền 7, không có tên của chi tộc Đan.

Câu nói: “Lạy Đức Giê-hô-va! Con trông chờ ơn cứu rỗi của Ngài!” (18) có thể xem như một lần nghỉ lấy hơi, hoặc vì Gia-cốp thấy trước sự thờ hình tượng của Đan nên ông cầu ơn cứu rỗi từ Chúa giải thoát dân Israel khỏi tội thờ hình tượng.

Hoặc nói như vậy vì ông thấy dòng dõi Gát sẽ bị kẻ thù tấn công. Tuy vậy, Gát sẽ rượt đuổi quân thù (19), vì chiến binh của họ là “những người dũng cảm, thiện chiến, sử dụng thành thạo khiên và giáo; diện mạo họ như sư tử, họ nhanh nhẹn như hoàng dương trên núi” (1Sử-ký 12:8).

A-se sẽ là một chi tộc giàu có (20), và lời tiên tri cho chi tộc Nép-ta-li là họ sẽ được ở một vùng đất phì nhiêu, bình an. Như những con nai cái được tự do giong ruổi qua nhiều đổi cỏ, dòng dõi của Nép-ta-li sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng (21).

Lời chúc lành tiên tri của Gia-cốp dành cho Giô-sép là đặc sắc nhất. Giô-sép là đứa con yêu quý của người vợ yêu dấu nhất, là vị cứu tinh của cả gia đình, là người đang cai trị trên toàn cõi Ai-cập. Lời chúc lành nầy gồm có bốn phần chính:

1) Sự thịnh vượng của Giô-sép giống như cây nho sai trĩu quả bên bờ suối (22);

2) các sự tấn công của những kẻ thù ghét Giô-sép đã bị thất bại thảm hại (23–24);

3) lời Gia-cốp cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và ban phước cho con mình (25a);

4) Gia-cốp công bố phước lành từ trời, biển và đất đổ trên Giô-sép vượt hơn các thứ phước lành của tổ phụ ông chúc phước cho ông (25b–26).

Tuy vậy, Gia-cốp không thể ban cho Giô-sép quyền cai trị trên anh em mình, vì ông đã ban quyền ấy cho Giu-đa bằng cách mô tả Giu-đa như con sư tử với sức mạnh vô địch sẽ đem đến chiến thắng và quyền thống trị cho Israel.

Đến lời chúc phước cho Benjamin thì người đọc thấy rõ là Gia-cốp được hướng dẫn bởi tinh thần tiên tri, không phải bởi tình cảm tự nhiên. Vì nếu bởi tình cảm con người thiên nhiên thì ông sẽ nói về đứa con Benjamin yêu dấu của mình bằng những điều dịu dàng hơn. Nhưng ông tiên tri về chi tộc Benjamin hiếu chiến, liều lĩnh và ưa chiếm đoạt của cải từ phía đối nghịch (27).

Đó là mười hai chi tộc Israel và những gì người cha đã nói với họ khi ông chúc phước cho họ, mỗi người một lời chúc phước riêng biệt” (28). Bởi tinh thần tiên tri, Gia-cốp nói ra mọi điều mà Đức Chúa Trời muốn ban cho dòng dõi của mười hai người con về sau.

Cuối cùng, Gia-cốp dặn dò các con về nơi ông muốn được an táng. Như trước đó Gia-cốp đã bắt Giô-sép thề rằng sẽ không chôn cha tại Ai cập mà phải chôn cạnh phần mộ của tổ tiên ở xứ Ca-na-an (47:29–30), bây giờ, ông tiếp tục dặn: “Các con hãy chôn cất cha cạnh các tổ phụ, trong hang đá ở cánh đồng Ép rôn” (29–32).

Lời dặn dò nầy dựa trên đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, rằng Canaan, theo lời hứa của Chúa khi đúng thời, đúng lúc, sẽ là sản nghiệp của người Israel, con cháu Gia-cốp.

Vừa dứt lời trăng trối với các con, Gia-cốp rút chân lên giường, rồi trút hơi thở cuối cùng, và được về sum họp với tổ tiên” (33).

Như vậy, Gia-cốp đã ngồi dậy khi Giô-sép dẫn hai con đến thăm ông. Sau khi chúc phước cho Ép-ra-im và Ma-na-se, rồi cho cả mười hai con trai, Gia-cốp qua đời bình an, được Giô-sép vuốt mắt như lời Chúa hứa lần chót tại Beth-El (Sáng Thế Ký 46:3).

SangTheKy51.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký